Trong khi đào muối dưới hầm sâu, Sava thường nghĩ rằng, trong cuộc sống của con người, sự trìu mến là như muối trong nhà bếp. Nếu thiếu muối trong các món ăn thì các món ăn ấy không còn ngon miệng. Nếu thiếu sự trìu mến trong cuộc đời, thì tất cả những gì con người thực hiện đều nhạt nhẽo, vô vị. Cũng như một món ăn không có muối. Một cái vuốt ve, một cái ôm ghì, một viên kẹo, đó là những cái cho cuộc đời một hương vị...".
(Trích từ tiểu thuyết “Tình trên non cao”, tác giả C.V.Gheorghiu)
Sống nhạt
Nhạt, cũng chỉ là một gia vị trong tính cách. Cái thứ nhạt ấy, khác với thứ vô duyên nhạt nhẽo, nó là sự dửng dưng, lãnh đạm, thờ ơ đến bàng quan. Nó là một thứ đáng báo động của sự thiếu sâu sắc. Các cuốn sách nhạt, bài hát nhạt, phim nhạt, lối sống nhạt... phải chăng chính là do xu thế, mà xu thế, là do con người tạo ra. Chính con người mờ nhạt vậy, nên cuộc sống cũng mờ nhạt theo.
Người ta sống mờ nhạt hơn, làm mọi việc, cũng qua quýt hơn. Biết nhiều thứ, nhưng thứ nào cũng nông hơn. Quen nhiều người, nhưng không có bạn tri kỷ. Đối xử với nhau nhạt nhẽo và lạnh lùng hơn. Ta có thể sở hữu nhiều thứ, ta khát khao nhiều thứ, nhưng là vô tội vạ, không xác định được ta thực sự cần gì.
Việc Nhạt
Cái nhạt, ngoài cảm giác của vị ra, còn là cảm giác của nhịp điệu. Những nhịp điệu đều đều, không thay đổi. Những ý nghĩ đi trên một lối mòn đơn điệu cũng dễ làm con người thấy nhàm chán. Lương cao, mà không phải làm gì, hoặc không làm được việc, sẽ làm con người bất ổn. Lương thấp, do không đánh giá được đúng người tài, lãng quên họ, hoặc coi thường.
(Một người tài bây giờ, làm việc bằng năm bằng mười người khác). Hoặc thời của “bão giá”, mà mãi lương chả tăng là bao gây nên cảm giác nhạt nhẽo đến bạc bẽo của tiền lương. Chán việc lắm rồi, chán sếp lắm, chán nhân sự lắm, đấy là câu cửa miệng của dân văn phòng! Ai biết đâu, khéo sếp họ, nhân sự của họ, cũng đang phát... chán y như họ ấy chứ!
Chán, thì ai chả chán. Chỉ có làm cái gì xuất phát từ tình yêu, từ tâm, mới có thể làm bớt nhạt hóa trong lao động. Người thời trước, cả năm cả đời, gắn chặt với một nơi làm việc. Cái thời rời bỏ nhà nước để về hưu một cục, hoặc chuyển sang buôn bán làm ăn kinh doanh, là thời phải tự đấu tranh với chính họ lắm, dằn vặt lắm mới dám.
Đến khi về hưu, đối mặt với cả một đống nhạt đống chán trước mặt, bảo sao không “sì trét” nếu không sắp đặt lại được cuộc sống sao cho phù hợp. Chuyện đã vãn hồi, đã nhạt, thì tốt nhất là giải tán. Vậy cái nhạt, khi không còn thêm nếm, không còn được giải cứu, chính nó là những chất xúc tác phá tan sự gắn kết của sự vật. Kiểu chẳng còn gì để nói, tốt nhất là đường ai nấy đi.
Người trẻ thời nay tài giỏi, nhảy tanh tách từ công ty này sang công ty nọ, từ nội địa đến toàn cầu. Chán chỗ này, ta nhảy chỗ khác. Nhưng nhảy đâu thì nhảy, để tránh được cái nhạt, chính là tư duy của mỗi người. Nếu tư duy ì trệ, không thay đổi, không tự đi tìm cho mình những niềm vui, sự say mê trong công việc, thì nhạt, vẫn là nhạt thôi.
Nhạt yêu
Cô bạn tôi, ngày nào cũng “buzz” tôi trên YM để chát chít đôi ba câu. Và câu chuyện nào rồi cuối cùng cũng xoay quanh cái việc, hôm qua chồng cô đã - như - thế - nào với cô. Cô bảo, đã lâu rồi, chồng cô đi làm cả ngày về, tối loay hoay ôm máy tính. Đêm khuya, chàng nằm trên ghế salon, nàng gọi vào phòng ngủ, cũng không vào.
Một năm, số lần gần gũi nhau không đáng là bao. Nàng cô đơn, buồn tủi thèm khát sự quan tâm và yêu thương. Nàng bảo, nào có phải tao gầy gò, phẳng phiu, không có sức sống đâu, mà lão chả thèm ngó ngàng gì đến. Nếu có, thì nó cũng chỉ là có cho xong. Khi nào tao dỗi, tự ái, lão chạm tay vào người tao, tao hất ra, thì ối giời, lão đi ra ngoài salon nằm ngủ luôn.
Giời ơi, sao đời tao khổ thế này, ngày nào cũng nhìn nhau nhạt nhẽo thế này. Tao nhớ cái câu thơ của bà T.T.KH: Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời/ Ái ân lạt lẽo của chồng tôi... Tao biết là lão có yêu tao thật lòng. Hay lão bị bệnh gì, mà sao lại đối xử với tao như bát nước lã thế. Tao chịu sao được, tao là người mà. Tao sẽ không thể sống đời ở kiếp với kiểu như vậy được.
Còn một đứa con với nhau, bạn tôi bảo không có gì phàn nàn về lão cả, lão rất yêu con, mọi thứ rất được. Trừ khoản sống lạt lẽo và lãnh đạm với vợ. Bỏ, thì chưa dám, nhưng sống mãi thế này, ức chế quá. Mà bạn tôi cứ rên lên với tôi, đến mệt với nó.
Vợ khác lại bảo: “Phải bỏ. Chả chịu được một ông 30 ngày, 30 ngày thích ăn cùng một món, hai chai bia, một đĩa lạc, và ngồi nhăm nhê cùng một thứ nhạc duy nhất, là nhạc vàng. Và dĩ nhiên, trong khoản riêng tư, cũng rất nhạt”.
Trên thực tế, người Việt Nam rất ít khi dám cho đối tác biết đang nghĩ gì về chuyện ấy, hoặc hỏi, làm thế này, có thích không? Vẫn còn rào cản, cách ngăn, sự ngượng ngùng, ít dám thẳng thắn. Thế là hai bên cứ giữ cục nghẹn trong lòng. Rồi cái chuyện vợ chồng sinh hoạt, trở thành một nguyên nhân của các kiểu suy luận xấu xí, ngốc nghếch, và rạn vỡ cũng bắt đầu từ đấy.
***
Nhạt, đúng là một thế giới cần xâm nhập. Thôi, đang sống, đang tồn tại, nên chỉ hỏi thầm, khe khẽ: “Người đang nhạt, hay chính lòng mình đang... lạt