Ai có nhu cầu tên miền liên hệ email

Ai có nhu cầu tên miền liên hệ email
kimtinh1982@gmail.com

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2009

Chuyện Nhỏ Mà Lớn


Hiện nay đã có nhiều gia đình lưu ý đến việc dạy con cách xài tiền, tuy nhiên phần lớn phụ huynh rất lúng túng trong việc dạy con sử dụng đồng tiền như thế nào cho hợp lý. Dưới đây là ý kiến của một số nhà nghiên cứu và các bậc phụ huynh.

Thạc sĩ QUÁCH TUẤN KHANH – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thành công và Hạnh phúc (S.H.T.C): "Biết sử dụng đồng tiền cũng là kiến thức"

Ngày nay, xu hướng sinh con càng ít nên cha mẹ càng thương, càng chiều con, nhất là ở các thành phố lớn như TPHCM, mà “cái chiều” thường thấy nhất là cho chúng tiền.

Thứ nữa, nhiều cha mẹ lo kiếm tiền, không có thời gian dành cho con cái nên bù lại bằng cách cho tiền. Hiện tượng này rất phổ biến.

Khi các em cứ “xòe tay ra là có tiền” một cách dễ dàng thì chắc chắn "mầm mống" không biết quý trọng đồng tiền sẽ “ngự trị” trong suy nghĩ của trẻ và từ đó hình thành, ảnh hưởng đến nhân cách của các em sau này.

Bố mẹ cũng nên học và đọc sách viết về cách sử dụng đồng tiền hiệu quả, sách dạy con cách xài tiền… để từ đó có kinh nghiệm giáo dục, áp dụng cho con cái của mình. Nhiều người kinh doanh, tính toán rất giỏi nhưng không bao giờ lên kế hoạch tính toán chi tiêu cho gia đình mình – trong đó có khoản tiền cho con cái tiêu xài.

Truyền thống ở Việt Nam là các bậc cha mẹ thường cho con xài tiền nhưng không muốn con phải lăn lưng kiếm tiền. Thiết nghĩ, tùy từng lứa tuổi, hãy cho các em tham gia kiếm tiền bằng những cách khác nhau, ví dụ ngoài giờ học làm thiệp, quà lưu niệm… để bán, để các em hiểu được sức lao động và giá trị của đồng tiền mà quý trọng.

Nên dạy con từ khi chúng biết phân biệt 1.000đ, 2.000đ… Bên cạnh đó nhà trường cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giáo dục học sinh. Lâu nay, ở nước ta, nhà trường rất “ngại” đụng đến chuyện tiền bạc, cứ nghĩ rằng học sinh đến trường để học kiến thức, nhưng thật ra kiến thức đâu chỉ là văn, sử, địa, toán…, mà biết cách kiếm tiền, biết sử dụng đồng tiền đúng cũng là kiến thức.

Cô NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG – Phó hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ Du lịch Khôi Việt: "Lập trình cho con khi chúng biết về đồng tiền"

Tôi có hai con gái, hiện nay một học lớp 5, một học lớp 6. Tôi đã "lập trình" việc xài tiền cho hai con từ khi chúng biết nhận thức về đồng tiền. Vào lớp 1, con tôi bắt đầu thắc mắc làm sao để có tiền giống bạn, tôi phải giải thích và chăm lo việc ăn uống cho con để đến trường cháu không "dòm miệng" bạn.

Mỗi tuần, con tôi xin tiền mua truyện, lúc đầu tôi đưa vừa đủ, sau đưa dư để kiểm tra tinh thần tự giác của con. Tôi còn thử để tiền vung vãi xem con có "táy máy" không để chỉnh sửa kịp thời…

Khi con vào lớp 6, tôi cho 20.000đ/tuần và giải thích tại sao mẹ chỉ cho chừng đó. Tuần đầu tiên, hàng ngày trong bữa cơm tối, tôi hỏi con hôm nay đã mua gì, sau đó tôi âm thầm kiểm tra mức độ chính xác. Sau hai tuần, tôi hướng dẫn con ghi lại các khoản chi tiêu vào tờ giấy để gửi cho tôi vào cuối tuần, trước khi nhận tiền của tuần sau.

Tôi xem tờ giấy kê khai để góp ý cho con những mục xài không hợp lý. Tôi dự định lên cấp 3 sẽ cho con tiền tiêu hàng tháng và cũng để con tự ghi lại các khoản chi tiêu trong tháng. Các khoản tiền người khác cho như tiền lì xì, các con phải bỏ ống heo và chỉ được sử dụng khi có lý do chính đáng và phải báo cho tôi biết trước khi sử dụng.

Sau cấp 3, nếu con vào đại học, tôi sẽ giao cho con quyền quyết định các khoản tiêu xài. Tuy nhiên, các con vẫn sẽ phải ghi đầy đủ vào sổ chi hàng tháng để tôi kiểm tra. Trong thời gian này, tôi sẽ khuyến khích các con đi làm hoặc dạy thêm để có thể tự kiếm tiền (cho dù tôi vẫn có thể cung cấp cho các con), vì khi các con kiếm tiền cực khổ thì sẽ biết xài tiền tiết kiệm.

Ông PHẠM HỒNG THÁI (190/2C đường 3 Tháng 2, Q10): “Không nên cho con thấy “sức mạnh” của đồng tiền”

Đôi lúc nhà cũng có tiền nhưng ít khi vợ chồng tôi thổ lộ cho các con biết là nhà mình vừa có số tiền lớn mà luôn thể hiện sự chắt chiu. Vợ chồng tôi quy ước với nhau điều này ngay từ khi các con còn nhỏ.

Bên cạnh đó, chúng tôi không muốn cho các con thấy hoặc có suy nghĩ về “sức mạnh” của đồng tiền. Trong gia đình, tôi không bao giờ nói những câu đại loại: “Làm tốt bố sẽ thưởng/cho tiền”, hay “Làm được điều đó, tôi sẽ cho tiền” với các con cũng như với mọi người…

Nói như vậy, trẻ nghe được vô hình trung chúng cho rằng “có tiền là có tất cả”, chúng sẽ ỷ vào đồng tiền và coi thường giá trị đạo đức, lẽ sống con người. Để giáo dục các con ý thức xài tiền, tôi thường dắt chúng về quê để thấy con của dì, cậu, chú, bác… sống thiếu thốn như thế nào, từ đó chúng biết chia sẻ và biết quý trọng đồng tiền.