Ai có nhu cầu tên miền liên hệ email

Ai có nhu cầu tên miền liên hệ email
kimtinh1982@gmail.com

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2007

cv

cv viet nhu the nao nhi >>>> giup toi voi >>>>huhuhu

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

PR

Trong xã hội hiện đại, truyền thông ngày càng trở nên quan trọng. Các tổ chức rất cần những người làm công tác truyền thông chuyên nghiệp, mà lâu nay những người chuyên làm công tác này cho một tổ chức được gọi là dân PR. Nghề PR cũng bắt đầu thịnh hành, trở thành "mode". Rồi các bài báo, các chuyên đề dày cộm nói về những cái hay, thú vị, đầy thách thức của nghề, rồi thì thu nhập hấp dẫn, câu chuyện "ấn tượng và đáng nhớ" của dân PR khiến cho PR trở thành "nghề mơ ước" của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là vẻ ngoài năng động, ồn ào, nhộn nhịp của nghề.
Nhà nhà làm PR, người người làm PR
Ða số người làm PR tại Việt Nam xuất phát từ nhiều ngành khác nhau, không hẳn ai cũng có kiến thức cơ bản về truyền thông. Vì vậy, nhiều người gặp không ít khó khăn trong việc chuyển tải thông điệp, nhất là số lượng công cụ sử dụng trong PR không đa dạng cho lắm. Quanh đi quẩn lại, người làm PR chỉ có bài viết (editorial), tin ảnh, bài viết dạng quảng cáo (advertorial), sự kiện (event), triển lãm, bố trí sản phẩm trên truyền hình (product placement), phóng sự truyền hình, tự giới thiệu (informecial)..., nên việc hiểu sâu về truyền thông, tâm lý người nhận thông điệp, những yếu tố tác động lên việc thay đổi nhận thức và hành động của đối tượng, cũng như cách tạo ra thông điệp, cách truyền tải thông điệp khéo léo, ấn tượng, đôi khi ngoạn mục là tối cần thiết cho một người làm PR chuyên nghiệp.
Lâu nay, một số người vẫn nghĩ nền tảng của PR là quan hệ (public relations cơ mà!), vì vậy họ chỉ đầu tư vào quan hệ theo kiểu “gần gũi, thân mật, thậm chí... năn nỉ” mà quên rằng cốt lõi của một mối quan hệ bền vững phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi (win – win). Thậm chí, có những vị giám đốc nghĩ rằng với những mối quan hệ sẵn có, họ thừa sức làm PR cho doanh nghiệp họ của mình. Một số khác xuất thân là người mẫu, bầu sô, nghệ sĩ, MC, nhà báo... từng tham gia trong vai trò người tham dự hay biểu diễn trong những hoạt động PR trước đây như họp báo, chương trình ca nhạc, chương trình ra mắt sản phẩm... cũng tham gia lĩnh vực PR rất nhiều. Dần dần dư luận nghĩ người làm PR là người chạy việc, lo triển khai những ý tưởng sẵn có, người thừa hành. Vả lại, tính sáng tạo của những người làm PR hiện nay không được đánh giá cao, hoặc không có đất dụng võ. Thế là PR không phát huy hết tác dụng, có khi phản tác dụng. Bởi PR không hề là một việc "ai làm cũng được", mà là một nghề nghiệp chuyên môn khá đặc thù, với những đòi hỏi kỹ năng chuyên biệt.
Chân dung “PR pro”
Nếu quả thật bạn là một PR đạt đẳng cấp chuyên nghiệp, bạn sẽ là tài sản quý giá của doanh nghiệp, giúp xây dựng những thương hiệu thành công, tư vấn cho doanh nghiệp về tâm lý hành vi và nhu cầu thông tin của công chúng, biết vận dụng các kỹ năng truyền thông để tạo mối thông hiểu giữa tổ chức và các nhóm công chúng. Bạn hoàn toàn có thể hoạt động tư vấn độc lập trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu trong PR, tạo dựng uy tín và tên tuổi cho riêng mình. Vậy làm sao để "PR pro" không chỉ là từ để ... ai cũng có thể nói?
Người làm PR cần hiểu sâu sắc về truyền thông: cách tác động vào nhận thức, hình thành thái độ tích cực, từ đó làm thay đổi hành vi của người khác. Ðể làm được điều đó, thì không chỉ nói mà phải hành động, hành động để chạm đến trái tim của đối tượng vì người làm PR hiểu rằng lý trí chỉ giữ vai trò thứ yếu trong quyết định thay đổi của con người. Ðây chính là thách thức lớn nhất của người làm PR: sáng tạo nhưng không được "rộng đường" như quảng cáo, tác động tinh tế chứ không thể "dội bom" ào ạt, tạo rung động và ấn tượng chứ không phải "cứ mưa lâu thì thấm đất". Một nhà quản lý PR đòi hỏi phải có tầm nhìn xa và tổng quát, không chỉ hỗ trợ cho hoạt động tiếp thị (Marketing PR), mà còn góp phần nâng cao hình ảnh công ty (Corporate PR) và chịu trách nhiệm về các thông tin liên quan đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp (Financial PR). Vì vậy nhà quản lý PR phải "đả thông" chiến lược, mục tiêu, định hướng, văn hóa của công ty để các hoạt động của mình không “lạc quẻ” mà còn góp phần hỗ trợ đắc lực.
Trong các kỹ năng cần có của nghề, thì kỹ năng viết và xây dựng quan hệ là “không thể thay thế” vì quan hệ báo chí chính là trung tâm của hoạt động PR. Không phải ai cũng hiểu báo chí, qui trình làm báo, tâm lý nhà báo, cũng như những ý tưởng hay loại thông tin nào bạn đọc của báo quan tâm. Vì vậy, một số người làm PR từng có kinh nghiệm làm báo sẽ có lợi thế trong kỹ năng này, nhưng như thế chưa đủ. Người làm PR phải thể hiện đẳng cấp và bản lĩnh của mình khi chẳng may khủng hoảng xảy ra với doanh nghiệp, bình tĩnh khi làm việc với báo chí và thật sự nắm vững "đường đi nước bước" để đảo ngược tình thế (nếu được) hoặc khôi phục uy tín doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất. Quản lý khủng hoảng chính là bài test đánh giá năng lực thật của "PR pro".
Các kỹ năng cá nhân càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong môi trường làm việc, trong lĩnh vực PR thì các kỹ năng này tạo sự khác biệt giữa một "PR pro" và PR "non tay". Ðó chính là khả năng thuyết phục, bán ý tưởng, kỹ năng trình bày và thương lượng; kỹ năng lắng nghe và tư vấn, tinh thần làm việc nhóm, điều phối mọi người…
Hãy tự nâng cao năng lực bản thân
Người làm PR thường được đánh giá khả năng qua cả việc "tự PR" cho mình, cách định vị và xây dựng hình ảnh bản thân. Ðể nâng cao và hoàn thiện kỹ năng PR của mình, không có cách nào khác là tìm những người giỏi nghề, giàu kinh nghiệm để học hỏi, nhưng lưu ý: bạn không thể "học" kỹ năng mà phải rèn luyện mới thành. Cái khó nhất của mỗi người là biết đúng điểm yếu và điểm mạnh của mình. Vì vậy, hình thức nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp phổ biến trên thế giới là tư vấn tâm lý (counselling) giúp vượt qua các trở ngại, nhất là ngại thay đổi, và huấn luyện kèm cặp (coaching) để chỉnh sửa và phát triển kỹ năng. Những ai yêu thích PR, muốn trụ vững và khẳng định đẳng cấp trong nghề nên tìm cơ hội để nâng cao năng lực của mình, đón nhận nhiều cơ hội mới sẽ đến trong tương lai khi ngành phát triển đúng mức tiềm năng.
Người chọn nghề hay nghề chọn người?

Đối với nhiều người tìm việc, đây quả là “một câu hỏi lớn không lời đáp” khi mà chính bản thân họ không hiểu rõ mình muốn gì và mình có thể làm gì! Hệ quả tất yếu, họ… đi “nhầm đường”, loanh quanh mãi trong mê cung nghề nghiệp.
Nhầm đường từ vạch xuất phát
Ngay từ lần lựa chọn “sinh tử” đầu tiên – Đại Học, rất nhiều bạn trẻ đã chọn ngành theo trào lưu thời thượng, nộp đơn thi vào những ngành “hot” như Tiếp thị, Tài Chính, Truyền thông… mà không để ý rằng liệu năng lực (trí tuệ, sức khỏe…) của mình có đáp ứng được với yêu cầu ngành học – công việc trong tương lai hay không. Có thể họ chỉ cần một trường học để giải phóng áp lực đậu đại học, ra trường chỉ cần một nghề nghiệp để giải phóng nhu cầu việc làm. Vô hình trung, họ đặt cả tương lai của mình lên bàn cân may rủi.
“Tìm đường” khi ra trường
Theo thống kê, hàng năm, có từ 15-20% HS-SV ra trường định hướng sai nghề nghiệp dẫn đến chọn việc làm không phù hợp. Có những trường hợp: tốt nghiệp đại học Kiến Trúc, làm kiến trúc sư hai năm không hợp với nghề, chuyển qua làm… phóng viên và yêu thích nghề này thực sự! Hay tốt nghiệp Công Nghệ Thông Tin, cũng làm đúng nghề mấy năm rồi chuyển hẳn sang làm… PR và thấy phù hợp hơn nghề IT khô khan… Tuy nhiên, phù hợp, yêu thích là một chuyện, nhưng họ có đủ năng lực để thăng tiến trong nghề hay không lại là chuyện khác.
Một kiểu “tìm đường” khác khá phổ biến của giới trẻ hiện nay: xu hướng chọn nghề “mì ăn liền”! Họ không tìm hiểu về nghề nghiệp, không hiểu về bản thân mình mà chỉ thấy những lợi ích trước mắt: công việc thời thượng, lương cao, công ty lớn, văn phòng hiện đại hào nhoáng… là lập tức ứng tuyển. Một bài viết chủ đề nghề “hot” Copywriter lên báo, lập tức hôm sau hàng trăm bạn trẻ nộp đơn theo học khóa Copywriting mà không hề băn khoăn liệu mình có đủ khả năng làm nghề không. Từ vị thế “người chọn nghề”, họ đã để nghề nghiệp dẫn mình đi một cách mù quáng.
Phải biết mình là ai
Rốt lại, là người chọn nghề hay nghề chọn người? Tuy hai mà một! Điều quan trọng nhất, như suy nghĩ thực tế của giới trẻ bây giờ, “phải biết mình là ai”. Hãy tự khám phá và đánh giá đúng năng lực – giá trị bản thân, suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi chọn nghề.
Chọn không đúng nghề là đặt cho mình một tương lai bấp bênh. Tuy nhiên, sai lầm trong việc chọn nghề nghiệp – theo cách nghĩ lạc quan, có khi lại là những trải nghiệm hữu ích cho bạn trong cuộc sống. Nếu bạn rút được kinh nghiệm từ thất bại, nhận thức đúng đắn về bản thân và quyết tâm bắt đầu lại, bạn sẽ là người chiến thắng.
Chọn cho mình một nghề, nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Tương lai nằm trong tay bạn!
Công việc hoàn hảo - đường nét ấy ra sao?

Người tìm việc nào cũng mơ đến một công việc hoàn hảo và luôn nỗ lực hết mình để đạt đến giấc mơ ấy. Phải thế nào mới gọi là hoàn hảo? Hãy thử “ngắm nghía” xem đường nét “khuôn mặt” ấy ra sao.
Chắc chắn phần lớn chúng ta sẽ hồ hởi “vẽ” ra ngay “nét” đầu tiên: lương cao! Đúng quá, nhiều tiền, ai chẳng thích, nhưng đó mới chỉ là một trong rất nhiều “nét” - điều kiện cần thiết của một công việc hoàn hảo mà thôi.
Vậy những điều kiện còn lại là gì?
• Bên cạnh thu nhập, điều chúng ta cần tiếp theo là sự phù hợp, về chuyên môn, về khả năng. Học ngành gì, làm ngành ấy sẽ thuận lợi nhất.
• Nhưng bạn phải thật sự yêu thích công việc ấy nữa mới có thể hăng say làm tốt công việc được. Hoàn toàn đúng!
• Công việc ấy cũng nên có triển vọng phát triển, nghĩa là trong tương lai, bạn có thể được lên chức, tăng lương, có cơ hội nghiên cứu chuyên sâu…
• Ngoài ra, còn hàng chục những “đường nét” cần và đủ khác như: áp lực vừa phải, môi trường làm việc dễ chịu, chế độ đãi ngộ tốt, phụ cấp hậu hĩ, giờ giấc làm việc, thời gian nghỉ phép… Quả thật, chúng ta luôn muốn có được mọi điều kiện tốt nhất!
Vấn đề nan giải là những điều kiện ấy – trong đa số trường hợp – không hề tập trung cùng nhau mà luôn phân tán rời rạc. Hiếm có nghề nào hội tụ đầy đủ tất cả đường nét để trở thành “khuôn mặt” công việc hoàn hảo mà tất cả mọi người khao khát. Có thể công việc của bạn lương cao, phù hợp, bạn yêu thích…, nhưng chắc chắn để đạt đến mức độ ấy, bạn phải trả giá bằng áp lực công việc, thời gian cho gia đình và giải trí bị giới hạn … Suy ra, công việc lý tưởng, cũng như người yêu lý tưởng, dường như là… không tồn tại. Bạn nghĩ sao?
Ắt hẳn vì chúng ta quá cầu toàn đấy thôi, xét theo chiều hướng tích cực hơn, công việc hoàn hảo một cách tương đối thực sự không hề hiếm. Từ khả năng và tính cách bản thân, bạn có thể định hướng - đặt mục tiêu cho công việc hoàn hảo (tương đối) của mình. Sự lựa chọn sẽ rất phong phú: hoặc thăng tiến & lương cao, hoặc lương cao & yêu thích, lương cao & phù hợp, hay yêu thích & phù hợp (không cần lương cao)... Thậm chí có trường hợp chỉ yêu thích không thôi (chẳng cần cả phù hợp lẫn lương cao), đã có thể xem là lý tưởng. Tuy nhiên, xu hướng này hiếm khi đạt được kết quả tốt, bởi lòng đam mê có mạnh mẽ đến mấy mà thiếu đi khả năng thực sự sẽ không thể làm nên chuyện.
Việc nhận biết bản thân và định hướng nghề nghiệp là điều tối quan trọng, quyết định cả tương lai của bạn. Làm sao để có được nhận thức – định hướng nghề nghiệp sáng suốt cho bản thân, mời các bạn đón đọc ở bài viết trong Bản tin việc làm tuần sau.
Làm Freelance - hoa hồng hay đá hộc?

Không cần cuống cuồng lùa thức ăn vào miệng để đúng 8h sáng đến công ty cà thẻ, chẳng phải chịu đựng ánh mắt lườm nguýt khó chịu của sếp mỗi lúc đi làm trễ, và quên đi nhé việc ép mình tuân theo những lề luật gò bó cứng nhắc ở bất kỳ cơ quan nào, tóm lại là rất tự do, thỏa sức tung hoành, nghỉ lúc nào tùy thích, thế mà thu nhập lại khá cao... Nhìn từ bên ngoài, Freelance – lao động tự do – quả là một xu hướng làm việc thật lý tưởng.
Do đặc thù công việc, xu hướng Freelance ở ta hiện nay tập trung vào hai nhóm nghề chính: nhóm thiên về sáng tạo như sản xuất âm nhạc, đạo diễn chương trình, tổ chức sự kiện, nhiếp ảnh gia, thiết kế (đồ họa, nội thất, thời trang, …), kiến trúc sư, stylist, viết báo, PR, copywriter...; nhóm thứ 2 gồm những nghề đòi hỏi sự đào tạo bài bản chuyên sâu và dày dạn kinh nghiệm, như tư vấn luật, tư vấn thành lập - tái cấu trúc doanh nghiệp, kế toán, bác sỹ, dịch thuật, lập trình, IT…
Là một Freelancer được nhiều người - công ty biết đến và tin cậy, đồng nghĩa với chuyện bạn dễ dàng nắm được những hợp đồng lớn, bỏ túi vài ngàn đô chỉ trong một tháng. Sau một lần “trúng quả”, bạn có thể vi vu du lịch đâu đó cả tuần lễ nghỉ xả hơi lấy lại năng lượng mà chẳng cần phải nộp đơn xin phép ai. Nghe thật hấp dẫn và đầy hoa hồng phải không?
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là một mặt của vấn đề. Tự do không có nghĩa là rảnh rỗi, bạn phải biết cách sử dụng sự tự do ấy đạt hiệu quả tối đa. Freelance đồng nghĩa với mọi gánh nặng trách nhiệm đều trút lên vai bạn, bạn vừa làm chủ, vừa làm công cho chính mình, lại kiêm thêm kế toán thu chi và hàng trăm việc lặt vặt khác. Nếu thiếu kỷ luật, không khéo quản lý về thời gian và công việc, mọi kế hoạch của bạn sẽ bị phá sản từ lúc nào không biết.
Freelance cũng đồng nghĩa với việc đối mặt rủi ro. Bạn không được hưởng mức lương ổn định cùng những phụ cấp, đãi ngộ của công ty nào cả, hoặc nếu bạn thất bại trong một kế hoạch gì đấy, không ai khác ngoài chính bạn phải “đứng mũi chịu sào”, chịu trách nhiệm tất cả thiệt hại, và dĩ nhiên, sẽ chẳng còn ai dám thuê bạn lần sau. Có lẽ vì vậy mà không ít người gọi Freelance là nghề “không có hậu”, không bảo đảm cho tương lai.
Quan trọng nhất, Freelance đồng nghĩa với vốn sống, bề dày kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong công việc. Hiếm ai vừa tốt nghiệp đã trở thành một Freelancer giỏi. Ít nhất, họ phải trải qua vài năm trong một vài công ty lớn nhỏ, có những sản phẩm chất lượng tốt, đạt đến độ chín nhất định về nghề nghiệp, tạo được biên độ quan hệ rộng… Ngoài ra, để thực sự thành công, một Freelancer bao giờ cũng phải có chiến lược marketing bản thân hiệu quả, biết tạo dấu ấn riêng, tiếp thị thương hiệu của chính mình, đó là chưa kể một loạt kỹ năng thuyết trình, đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm với các freelancer khác trong cùng dự án...
Freelance, trong một lúc nào đó, đã trở thành trào lưu của một số cá nhân tự tin vào năng lực bản thân, không chịu nổi áp lực gò bó của công ty. Trong số họ, chỉ có rất ít người thành công, bởi “yếu mà ra gió”, không phải ai cũng đáp ứng được những đòi hỏi của nghề Freelance, và bởi mặt trái của hoa hồng chính là… đá tảng, vì ngay cả những Freelancer dày dạn kinh nghiệm, nhiều khi cũng cảm thấy mệt mỏi sau quãng thời gian “lăn lộn” với nghề kiểu "tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" , khi thì công việc không xuể, phải chạy đua với thời gian đến mức làm qua quýt ẩu tả mất cả uy tín, lúc lại “mất mùa” ngồi không “há miệng chờ sung”, chẳng kiếm được đồng nào suốt mấy tháng trời. Hơn nữa, ngày càng nhiều cạnh tranh trong nghề Freelance, thậm chí có cả chuyện phá giá, giành mối, nhận việc với giá rẻ mạt…Vậy là, như con chim mỏi cánh, họ tìm về với sự ổn định ở một công ty nào đấy đáp ứng được những đòi hỏi (khá cao) của họ.
Bản thân công việc Freelance không có gì sai, vấn đề là lựa chọn của bạn có đúng hướng và phù hợp với bản thân không. Nếu là người thích… phiêu lưu và cá tính mạnh, đủ bản lĩnh đối phó với những biến cố, có thể Freelance sẽ là con đường thích hợp với bạn. Còn nếu bạn mong muốn cuộc sống êm đềm, công việc và thu nhập ổn định, thì hãy chung thủy với lựa chọn “người của công ty”. Được và mất, đá hộc hay hoa hồng, tùy bạn thôi.
Những Cuộc Họp – Làm Thế Nào Để Làm Chúng Có Hiệu Quả?

Những cuộc họp có thể xây dựng hoặc phá vỡ tinh thần đồng đội. Nhiều người tham gia vào các cuộc họp có thể bị cho là “lãng phí thời gian.” Sự thật là những cuộc họp có chất lượng tốt lại hiếm khi được tổ chức tại nhiều công ty. Đó là bởi vì những cuộc họp tốt và hiệu quả đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và theo dõi từ trước, trong khi họp và sau khi cuộc họp kết thúc. Sau đây là vài bí quyết để có những cuộc họp hiệu quả:
Hãy chuẩn bị thật khéo léo. Hãy chắc rằng những người có liên quan đến cuộc họp có trước thật đầy đủ tài liệu cần thiết để họ có thời gian đọc và suy nghĩ trước khi vào họp.
Hãy ĐÚNG GIỜ
Hãy bám sát vào nhật ký. Đặt ra những vai trò và chính sách để khuyến khích thảo luận và giữ cho cuộc họp đi đúng hướng. Đừng quên giới thiệu tất cả những người tham dự với nhau.
Hãy THOẢI MÁI và LINH HOẠT. Hãy chấp nhận rằng không có cách nào là hoàn hảo một cách tuyệt đối cả. Luôn luôn khuyến khích những câu hỏi và tránh xung đột. Hãy thảo luận với nhau để có một cách giải quyết tốt hơn.
TÓM TẮT những điểm chính. Cuối buổi họp, hãy tóm tắt những điểm chính và nhắc lại những gì đã thoả thuận. Nếu cần thiết, hãy đặt ra ngày cho buổi họp kế tiếp và chắc rằng những người tham gia đồng ý.
Trang Phục Công Sở - Hướng Dẫn Cách Ăn Mặc Phù Hợp Nơi Công Sở Cho Phụ Nữ

Mặc trang phục công sở không có nghĩa là bỏ quên đi phong cách của cá nhân bạn. Hãy tìm hiểu xem loại trang phục gì mang đến cho bạn vẻ thanh lịch, chuyên nghiệp và thời trang nào có thể sẽ làm hỏng cả công việc của bạn.
Chỉ cần chuyên nghiệp, không cần đúng mốt.
Mục đích mặc trang phục công sở là để tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp bất kể vị trí công việc cao thấp như thế nào con đường sự nghiệp của bạn ra sao.
Kiểu dáng, màu sắc, độ dài và sự vừa vặn của trang phục nói lên khả năng làm việc của bạn. Nếu bạn quan tâm đến sự nghiệp của mình thì bạn nên quan tâm hơn đến việc ăn mặc như thế nào để trở nên chuyên nghiệp chứ không phải để trở nên xinh xắn hay hợp mốt.
Theo kinh nghiệm của tôi, nói chung trang phục hay trang sức nào càng làm cho người khác phân tâm thì nó càng ít phù hợp với môi trường công sở.
Sau đây là một vài hướng dẫn để trở nên thanh lịch hơn:
Màu sắc đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên một hình ảnh chuyên nghiệp cho bạn. Các gam màu truyền thống thích hợp cho thời trang công sở là màu đỏ (năng nổ), xanh hải quân (đáng tin cậy), xám (thủ cựu), đen (sang trọng). Hầu hết các màu này đều phù hợp với các kiểu vét nữ, váy, giày và phối hợp được với các màu sắc nữ tính mềm mại hơn như màu xanh nước đá, màu hoa cà, hồng phớt và màu ngà. Mặc những trang phục màu sắc sặc sỡ như màu hồng chói hay bông ba hoa hoè trong công sở thì có thể tạo sự phản cảm, nhưng có một số kiểu trang phục sáng tạo có thể hạn chế bớt điều đó.
Trang sức gây nên tiếng động leng keng có thể làm cho người khác phân tâm trong lúc làm việc. Chọn loại hoa tai đeo sát vào lỗ tai và vòng đeo tay loại chỉ có 1 chiếc duy nhất.
Những thứ góp phần tạo nên một hình ảnh thanh lịch cho bạn là: móng tay cắt sạch sẽ, bít tất ngay ngắn, giày không bị mòn đế, tóc tai gọn gàng.
Vừa vặn là cụm từ khi nói đến trang phục công sở được may. Quần phải vừa vặn nhưng cũng đừng chật quá, sẽ tạo ra các nếp gấp. Váy, đặc biệt là các loại váy may suông thẳng, nên rộng rãi một chút để có thể ngồi xuống thoải mái. Áo vét nên có nút gài. Và áo sơ mi không được chật quá, khi mặc vào sẽ tạo ra khe hở giữa hai hạt nút.
Áo quần, đồ dùng có gắn nhãn hiệu thiết kế cũng hay nhưng nếu được gắn nhiều quá sẽ làm rối mắt và không cần thiết nơi công sở. Hãy chọn những thứ được may hay đuợc làm thật khéo và không gắn nhãn hiệu lộ liễu. Điều đó làm bạn trở nên chuyên nghiệp nhất.
Thời trang làm hỏng công việc
Không như những lỗi hớ hênh trong ăn mặc, một bộ trang phục không phù hợp có thể sẽ làm hỏng luôn vẻ chuyên nghiệp của bạn.
Hãy xem những điều cần tránh nơi trong cách ăn mặc nơi công sở:
Quá khêu gợi: các loại trang phục bằng ren mỏng, váy ngắn, áo hai dây, trang phục hở hang, mỏng dính, giày có quá nhiều dây chồng chéo.
Quá ngẫu hứng: đồ jean, quần sọt, áo thun, nón rộng vành, giày thể thao.
Quá cẩu thả: áo quần không ủi, có nhiều li, rộng thùng thình.
Hãy thử nhiều phong cách ăn mặc khác nhau, hãy sáng tạo nhưng phải nhớ nghiêm túc, bạn sẽ có một công việc tuyệt vời và đồng thời một tủ quần áo đầy ngẫu hứng nhưng vẫn rất chuyên nghiệp.
Sử Dụng Thời Gian Rảnh Tại Nơi Làm Việc

Thỉnh thoảng có những lúc bạn chẳng có việc gì để làm cả. Đối với vài người đó là một phần thưởng, hoặc thời gian giải lao theo lệ thường. Đối với người khác thì điều đó lại thật chán. Bài viết này sẽ xem xét bạn sử dụng thời gian rảnh hiệu quả như thế nào tại nơi làm việc.
Có việc gì cần phải làm ngay bây giờ không?
Hãy trung thực – Có phải bạn thực sự rảnh rỗi hãy vẫn có việc gì đó đang chờ bạn giải quyết không?
Thúc đẩy bản thân bắt đầu công việc mà bạn đã ngừng lại có thể khó khăn, cho nên đây là một vài mẹo để bắt đầu công việc:
Viết ra danh sách những việc cần làm
Hãy chia nhỏ các việc ra – có thể bạn sẽ thấy những việc này dễ quản lý hơn (và ít làm bạn thoái chí hơn!)
Hãy bắt tay làm từ đầu và cứ theo danh sách mà làm. Trước khi bạn biết được điều đó, công việc đã được hoàn tất!
Rốt cuộc bạn có thật sự rảnh không?>
OK, bạn đã làm xong những việc cần làm, bây giờ thì sao? Bạn có muốn phát triển khả năng và sự nghiệp của mình không hay bạn chỉ cần chờ cho tới khi đến lượt làm việc của mình?
Thật là dễ dàng cho bạn để ngồi lại và chẳng làm gì cả trong khi những tham vọng của bạn vẫn chưa đạt được. Bạn có thể làm hai việc với thời gian của mình:
Làm việc để đạt được những tham vọng của mình
Hoặc là không làm gì cả
Làm theo những mục tiêu của bạn
Có thể bạn đang tiếp tục con đường sự nghiệp mong muốn hoặc cũng có thể là bạn đã đi lạc lối. Cho dù thế này hay thế khác, bạn cũng có thể sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình để giúp mình đi tiếp con đường. Hãy dành thời gian để nâng cao khả năng và kiến thức của mình.
Nếu bạn nhận ra rằng mình đang ở vị trí chẳng làm việc gì cả trong công ty mà bạn không muốn làm việc cho họ, vậy thì tất cả những gì bạn có thể làm là tìm một công việc khác tốt hơn!
Bạn không thấy chán nản gì về công việc - bạn chỉ muốn làm việc cho qua thời gian
Được đấy! Đây là một vài mẹo:
Hãy lướt web nếu có thể. Hầu hết các công ty đều kiểm tra thói quen và thời gian lướt mạng của bạn, vì vậy đừng quá lạm dụng việc này.
Tham gia các diễn đàn thảo luận
Đọc tin tức. Và hãy cho đó là việc tìm hiểu
Học những phím tắt trên bàn phím
Chơi bài? Đánh thuyền
Gửi emai cho người yêu
Có lẽ bạn nên suy nghĩ những gì bạn nên làm và làm sao bạn có thể sống được với điều đó!
Thời gian rảnh rỗi là một cơ hội để làm điều gì đó thú vị! Hãy tận dụng nó!
Làm Việc Hay Ở Nhà - Một Lựa Chọn Khó Khăn Cho Nhiều Phụ Nữ

Quyết định nên làm việc hay ở nhà để nuôi gia đình là một lựa chọn khó khăn cho nhiều phụ nữ. Cả những bà mẹ trẻ hoặc những phụ nữ đã có sự nghiệp phải quyết định điều gì cuối cùng sẽ có hiệu quả tốt nhất cho bản thân họ và cho gia đình của họ. Sau đây là vài điều xem xét khi bạn lựa chọn:
Một cái áo không thể vừa vặn cho tất cả mọi người
Có vẻ như những người mà bạn quen biết đã là một bà mẹ chỉ biết ở nhà mà thôi? Điều này có nghĩa là bạn cũng nên ở nhà với con cái luôn hay sao? Không cần thiết như thế. Vì bạn hiểu bản thân mình hơn ai hết. Bạn có cảm thấy thoả mãn nếu như bạn bỏ sự nghiệp của mình đằng sau không? Bạn có chuẩn bị để đổi những chật vật vì miếng cơm manh áo thành những chật vật về những bữa ăn không?
Đó là Chuyện của cả Gia đình
Quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong gia đình, vì vậy hãy lấy ý kiến của họ trước khi quyết định cuối cùng. Hãy tổ chức một buổi họp gia đình và thảo luận về những chọn lựa mà bạn đang xem xét. Hỏi quan niệm của họ như thế nào. Điều này sẽ đặt bạn vào một vị trí tốt hơn nhiều để bạn có thể đưa ra một quyết định quan trọng, bởi vì bạn có thể kết hợp những nhu cầu của họ và ước muốn của bạn để làm thành quyết định cua mình.
Đừng Nhìn vào Quá khứ
Đánh giá lại hoàn cảnh của mình từ lúc này đến lúc khác là một điều tốt, bởi vì những nhu cầu của gia đình có thay đổi, nhưng đừng tiếp tục đánh giá lại mình lần thứ hai. Vì sẽ biết rằng quyết định của mình đã không còn phù hợp với bạn và cả gia đình của bạn nữa, và bạn luôn luôn có thể thay đổi nó mà.
Bốn lỗi thương lượng mà Phụ nữ thường mắc phải

Một số phụ nữ không mấy thoải mái với từ thương lượng mặc dù ngày nào họ cũng làm như thế. Thương lượng là một kỹ năng cần học phải học. Thậm chí những người phụ nữ có quyền lực và thành công cũng phạm phải những sai lầm trong thương lượng. Jessica Miller, một nhân viên thương mại bất động sản và là tác giả của cuốn “Cẩm nang hướng dẫn Phụ nữ Thương lượng thành công”, muốn biết người ta đã học từ họ những gì. Cô đã nói chuyện với những người phụ nữ thành đạt nhất ở các lĩnh vực khác nhau để khám phá những sai lầm chung nhất mà phụ nữ mắc phải khi thương lượng. Trong những sai lầm này thì bốn sai lầm nêu ra sau đây tương đối dễ sửa chữa một khi bạn nhận ra rằng mình đang mắc phải chúng.
Sai lầm Số 1. Tiếp nhận một phong cách thương lượng không phản ánh bạn là ai.
Cách giải quyết: Hãy là chính mình, nhưng hãy là chính mình nhất nếu có thể. Bởi vì nhiều phụ nữ không nhận ra rằng có nhiều cách thương lượng thành công, họ tránh thương lượng hoặc nghĩ rằng mình không có năng khiếu này. Tuy nhiên, để thành công, bạn nên chọn một cách thương lượng thoải mái nhất cho mình. Cách bạn thương lượng cần phải cho thấy bạn là ai. Bạn phải xác thực, nếu không bạn sẽ bị mất tín nhiệm.
Sai lầm Số 2. Không nhận ra rằng tình huống là một cơ hội để thương lượng.
Cách giải quyết: Hãy hỏi -- hầu như mọi thứ có thể thương lượng được nếu bạn thấy đó là hướng giải quyết. Nhiều phụ nữ không thấy rằng những cơ hội thương lượng tồn tại hầu hết trong từng tương tác. Họ nhìn vào tình huống theo kiểu đó là những quyết định cần phải làm, hơn là những cơ hội để thương lượng. Vì vậy, nếu bạn cho rằng mọi thứ đều có thể thương lượng được, bạn sẽ thấy điều đó là đúng. Thông thường, hoàn cảnh không loại trừ bạn ra khỏi việc thương lượng. Thay vào đó, nó khiến bạn cần phải làm như thế nào để đạt được điều mong muốn. Những phụ nữ thành công nhận ra rằng hầu như mọi thứ đề có thể thương lượng được, cho dù không phải thứ gì bạn cũng muốn thương lượng. Bạn quyết định cái gì đáng thương lượng.
Sai lầm Số 3.: Không sẵn sàng nói không
Cách giải quyết: Đừng ngần ngại dùng từ “không”. Phụ nữ thường khó nói không, nhất là khi họ đang làm việc với người mà họ quan tâm. Bởi vì phụ nữ coi trọng các mối quan hệ, họ do dự hơn khi nói không. Họ muốn ai cũng vui vẻ.
Bạn không cần phải nói không một cách lớn tiếng hoặc giận dữ. Tuy nhiên, nếu người ta đưa ra lời đề nghị thấp hơn bạn mong đợi, bạn cần phải chỉ ra điều đó một cách lịch sự nhưng cương quyết. Nếu bên kia không thể, hoặc sẽ không đề nghị cao hơn, bạn cần sẵn sàng bước đi. Nếu bạn đã chuẩn bị tương đối cho các cuộc thương lượng, bạn sẽ biết mình còn có những lựa chọn khác trong trường hợp việc thảo luận này không đưa ra hướng mà bạn đã hình dung. Việc biết điểm mấu chốt của bạn và sẵn sàng nói không với điều không đáp ứng nhu cầu của bạn có thể dẫn đến việc bên kia tìm ra hướng để thoả mãn yêu cầu của bạn, miễn là bạn linh hoạt và sẵn sàng làm việc với họ.
Sai lầm Số 4.: Không thương lượng tốt nếu việc ấy là cho bản thân bạn.
Cách giải quyết: Thương lượng cho bản thân như thể bạn đang thương lượng cho người khác. Cả nam giới và phụ nữ đều thấy khó khăn khi thương lượng cho bản thẩn, nhưng phụ nữ thường gặp khó khăn hơn. Nhiều phụ nữ lại cho rằng việc đòi hỏi cho bản thân là một điều ích kỷ.
Cách hay là nghĩ rằng mình đang thương lượng cho một người khác. Hãy nghĩ ra mình sẽ làm gì trong trường hợp bạn đang bào chữa cho một người mà bạn quan tâm. Sau đó làm tương tự đối với mình. Một cách khác giúp bạn thương lượng hiệu quả hơn là “tự nói với mình.” Trước khi bắt đầu, bạn hãy tự động viên mình. Hãy kiểm tra các lý do tại sao bạn xứng đáng với những gì mà bạn đang đòi hỏi. Bạn là khán giả gần gũi nhất của mình đấy. Một khi bạn đã thuyết phục được mình, bạn sẽ không gặp khó khăn gì để thuyết phục người khác.
Học cách thương lượng sẽ làm cho bạn có thêm sức mạnh. Bạn sẽ quyết định đồng ý điều gì và sẵn sàng không chấp nhận gì. Bạn sẽ có thể thích nghi với hoàn cảnh và chắc chắn rằng nhu cầu của bạn được đáp ứng. Thương lượng tốt sẽ giúp bạn đạt được điều mong muốn, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống riêng của bạn. Một khi bạn đã đạt được trình độ thương lượng, bạn sẽ sớm nhận ra rằng những giới hạn thực sự cho những điều mà bạn đạt được chính là những giới hạn mà bạn đặt ra cho chính mình.
Bài này được viết phỏng theo cuốn sách “Cẩm nang hướng dẫn Phụ nữ Thương lượng thành công” của Lee E. Miller và Jessica Miller.
Nghề nghiệp tốt nhất theo cung hoàng đạo

Dương Cưu (21/03 – 19/04): Bạn là người nhiệt thành, nhạy bén, dám nói, tham vọng, mạnh mẽ và sáng tạo. Một công việc trong lĩnh vực truyền hình, phát thanh, quảng cáo hay kiến trúc sẽ phù hợp với những tham vọng và tính sáng tạo của bạn. Và vì bạn sinh ra là để lãnh đạo, làm việc trong quân đội hay cơ quan hành pháp cũng hợp với bạn.
Kim Ngưu (20/04 – 20/05): Bò đực là người thực tế, có phương pháp luận tốt, quyết đoán, kiên nhẫn, trung thực, có thể tin cậy và là một người có tinh thần đồng đội. Hãy hướng tới các lĩnh vực ngân hàng, kế toán và nghiên cứu khoa học để tìm công việc phù hợp.
Song Sinh (21/05 - 21/06): Bạn rất lạc quan, tò mò, thông minh và tràn đầy sức sống. Bạn cần một công việc có thể gợi sự đam mê và luôn tiến lên phía trước, chẳng hạn như hướng dẫn viên du lịch, khám phá tự nhiên hoặc vị trí bán hàng phải đi lại nhiều.
Cự giải (22/06 – 22/07): Cự giải là những người có trí tưởng tượng phong phú, dễ xúc động, can đảm, chu đáo và thích che chở. Bạn rất giỏi cho lời khuyên, nên hãy xem xét các lĩnh vực luật, tâm lý học, dạy học, y tá hoặc công tác xã hội.
Sư Tử (23/7- 22/8): Bạn là người theo chủ nghĩa tự do dân chủ, thích tiếp xúc với mọi người, độc lập và sinh ra để lãnh đạo với một đam mê mãnh liệt với quyền lực. Các phẩm chất này giúp những người sinh dưới chòm sao Sư Tử trở thành các nhà quản lý, biên tập viên xuất sắc và cũng là ứng cử viên hoàn hảo cho các chức vị trong chính phủ.
Xử Nữ (23/08 - 22/09): Chính xác, hóm hỉnh, vui vẻ, cầu toàn, tỉ mỉ, chăm chỉ và gọn gàng, và giỏi ngôn ngữ là các từ dành cho bạn. Và các lựa chọn hoàn hảo dành cho Xử Nữ là kỹ thuật, thống kê, nghiên cứu y học, điều tra hoặc dịch thuật.
Thiên Bình (23/09- 22/10): Thiên Bình là người giỏi ngoại giao, duyên dáng, dễ tính và hợp tác. Ý thức hợp tác và khản năng thỏa hiệp giúp bạn trở thành một nhân viên giỏi của Liên Hợp Quốc, hoặc luật sư, hòa giải viên, chuyên viên thương lượng hoặc quản trị viên.
Bọ Cạp (23/10- 21/11): Bạn là người có linh tính tốt, thông minh, có đầu óc phân tích, chăm chỉ, có động lực và tháo vát. Vì bạn thích khám phá những điều bí ẩn, hãy cân nhắc công việc điệp viên, cảnh sát điều tra hoặc trong các ngành luật, vật lý, nghiên cứu và viết lách.
Nhân Mã (22/11 – 21/12): Nhân Mã có thái độ tích cực, năng lượng dồi dào, thích du lịch và có cuộc sống tinh thần mạnh mẽ. Công việc lý tưởng dành cho bạn là bán hàng, PR, nghiên cứu xã hội hoặc thần học.
Ma Kết (22/12 - 19/01): Bạn rất cứng rắn, đáng tin cậy, có trách nhiệm, có khả năng tổ chức tốt, có mục tiêu, có đầu óc lô-gích và sáng suốt. Bạn sẽ thành công ở những vị trí quyền lực hoặc liên quan tới tính toán, tiền bạc. Hãy cân nhắc công việc IT vì bạn yêu thích phần mềm và máy tính. Bạn cũng hợp với nghề bác sỹ, kế toán hoặc luật sư.
Bảo Bình (20/11 – 18/02): Thông minh, bản năng, nhân bản, và có trí tưởng tượng phong phú là các phẩm chất mô tả những người cung Bảo Bình. Hãy chọn cho mình một công việc trong lĩnh vực thiên văn, lịch sử tự nhiên, hàng không, nhiếp ảnh, thơ ca, đóng kịch hoặc âm nhạc.
Song Ngư (19/2- 20/3): Song Ngư là những người hào phóng, thân thiện, nhạy cảm, giàu khả năng nghệ thuật, tháo vát, biết cảm thông và lãng mạn. Bạn sẽ thành công trong các lĩnh vực nghệ thuật như kịch, văn học, hội họa, âm nhạc. Đồng thời, sự dễ dàng cảm thông với những người khác khiến bạn rất phù hợp với các công việc từ thiện hoặc tòa án.

Sức mạnh của ngôn ngữ cử chỉ

Đã bao giờ bạn thấy bối rối khi đồng nghiệp đứng quá gần bạn trong khi trò chuyện? Người Á Đông thường cảm thấy không thoải mái khi khoảng cách tiếp xúc quá gần, trong khi người Mỹ Latin và Trung Đông lại cho rằng điều đó thể hiện sự thân thiện và tin cậy nhau. Nếu hiểu được ngôn ngữ cử chỉ của các nền văn hóa khác nhau, bạn sẽ tránh được nhiều tình huống gây hiểu lầm đáng tiếc và thành công khi thương lượng với các đối tác kinh doanh nước ngoài.
• Nhìn thẳng vào mắt khi giao tiếp “Paige là Giám Đốc Marketing ở một công ty lớn của Mỹ. Cô không hiểu vì sao John (một nhân viên người Mỹ gốc Nhật) lại hiếm khi nhìn thẳng vào mắt cô khi trò chuyện. John thường nhìn cô rất nhanh rồi lại lảng tránh ngay ánh nhìn của cô. Paige thật sự bối rối, cô không biết cách quản lý nhân viên của mình có chỗ nào không đúng hay chính John đang giấu giếm cô điều gì đó...”*
Ví dụ trên cho thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ cử chỉ ở từng nền văn hóa khác nhau. Đối với người Nhật, nhìn chằm chằm vào mắt người giao tiếp bị xem là bất lịch sự, đặc biệt là những người mới quen hoặc những người có chức vụ cao hơn bạn. Điều này hoàn toàn trái ngược lại trên đất Mỹ, nơi không nhìn thẳng vào mắt người nói chuyện bị xem là thô lỗ, thiếu tôn trọng, thậm chí là nói dối.
Gợi ý: Nếu bạn làm việc ở các công ty châu Âu, Canada hoặc Mỹ, bạn nên nhìn thẳng vào mắt của sếp hay các đồng nghiệp phương Tây khi trao đổi. Điều đó thể hiện sự tự tin của bạn. Ngược lại, bạn nên tránh nhìn thẳng vào mắt của các đối tác người Nhật khi đàm phán với họ.
• Giữ khoảng cáchNgười châu Á thường giữ khoảng cách ít nhất là 1 mét khi giao tiếp. Trong khi đó, người Mỹ Latin và Trung Đông thích đứng gần nhau, đôi khi chỉ cách nhau chừng nửa mét. Đối với người Mỹ và châu Âu, khoảng cách này là trung bình cộng của hai khoảng cách trên.
Gợi ý: Bạn nên giữ khoảng cách phù hợp khi giao tiếp với đối tác hay đồng nghiệp. Ví dụ khi bạn phỏng vấn ứng viên, khoảng cách tiếp xúc quá gần sẽ khiến cho ứng viên cảm thấy không thoải mái, mất bình tĩnh và không nghe rõ những gì bạn nói. Hoặc khi đánh giá thành tích làm việc của nhân viên, bạn sẽ khiến cho nhân viên có cảm giác bị uy hiếp và có khuynh hướng bác bỏ đề nghị hay phê bình của bạn nếu bạn đứng quá gần anh ta.
• Làm thế nào để cư xử đúng mực đối với các ngôn ngữ cử chỉ khác nhau?Bạn có nên làm giống ngôn ngữ cử chỉ của người khác? Hay bạn nên tránh những cử chỉ có thể làm người khác phật lòng? Điều này tùy thuộc vào mối quan hệ của bạn với người giao tiếp, cũng như ngôn ngữ cử chỉ ở nền văn hóa của họ khác với văn hóa của bạn ra sao.
Gợi ý: Dĩ nhiên khi một ai đó đứng quá gần và chạm vào tay bạn trong khi nói chuyện, bạn đừng làm theo như vậy. Bạn cũng đừng vội đứng xích ra ngay. Hãy quan sát để chắc rằng sự tiếp xúc thân mật đó hoàn toàn xuất phát từ mong muốn của họ muốn giao tiếp và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn. Ngược lại, nếu một đối tác kinh doanh cố tình giữ khoảng cách khá xa với bạn, bạn nên tôn trọng và điều chỉnh khoảng cách của bạn để phù hợp với người này.
* Cuối cùng, Paige cũng hiểu rằng văn hóa Nhật chính là nguyên nhân làm John không nhìn thẳng vào mắt cô. Từ khi còn bé, John được dạy rằng phải luôn kính trọng người lớn hay người có chức vụ cao hơn mình. Paige đã trò chuyện cùng John, chia sẻ và hiểu rõ ảnh hưởng của văn hóa Nhật đến cách hành xử trong giao tiếp của anh. Còn John cũng đã cởi mở hơn khi nhìn thẳng vào mắt của sếp Paige và nhiều đồng nghiệp khác. Họ thỏa thuận với nhau rằng sẽ John sẽ nhìn thẳng sếp và đồng nghiệp trong các buổi họp và bất kỳ cuộc gặp gỡ nào nơi công sở.
Ngôn ngữ cử chỉ ở một số nền văn hóa khác nhau
Ý nghĩa
Gật đầu
“Tôi đồng ý” ở hầu hết các quốc gia.
“Tôi không đồng ý” ở một số nơi tại Hy Lạp, Yugoslavia, Bungari, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hất đầu ra sau
“Đồng ý” ở Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Lào.
Nhướng lông mày
“Đồng ý” ở Thái Lan và một số nước khác ở châu Á.
“Xin chào” ở Phillipines.
Nháy mắt
“Tôi có bí mật muốn chia sẻ với anh nè!” ở Mỹ và các nước châu Âu.
Là dấu hiệu tán tỉnh người khác giới ở một số quốc gia khác.
Mắt lim dim
“Chán quá!” hay “Buồn ngủ quá!” ở Mỹ.
“Tôi đang lắng nghe đây.” ở Nhật, Thái Lan và Trung Quốc.
Vỗ nhẹ (bằng ngón trỏ) lên mũi
“Bí mật đó nha!” ở Anh
“Coi chừng!” hay “Cẩn thận đó!” ở Ý
Khua tay
Người Ý thường xuyên khua tay khi trò chuyện.
Ở Nhật, khua tay khi nói chuyện bị xem là rất bất lịch sự.
Khoanh tay
Ở một số quốc gia, khoanh tay có nghĩa là “Tôi đang phòng thủ!” hoặc “Tôi không đồng ý với anh đâu.”
Dấu hiệu “O.K.” (ngón cái và ngón trỏ tạo thành chữ O)
“Tốt đẹp” hay “Ổn cả” ở hầu hết các nước.
“Số 0” hoặc “Vô dụng!” tại một số nơi ở châu Âu.
“Tiền” ở Nhật Bản.
Là sự sỉ nhục người khác ở Hy Lạp, Braxin, Ý, Thổ Nhĩ Kỹ, Liên bang Nga và một số quốc gia khác.
Chỉ trỏ
Ở Bắc Mỹ hay châu Âu, dùng ngón trỏ để chỉ là chuyện bình thường.
Ở Nhật Bản, Trung Quốc chỉ người khác bằng ngón trỏ bị xem là bất kính và vô cùng bất lịch sự. Người ta thường dùng cả bàn tay để chỉ ai đó hay vấn đề gì đó
Hãy sống thật giản dị và không ngừng đầu tư cho cuộc đời mình

Bất chấp mọi đổi thay, câu lạc bộ 10 đại gia giàu nhất hành tinh vẫn duy trì 2 vị trí sừng sững. Chiếm ngôi đầu bảng không ai khác ngoài ông chủ Microsoft, và giữ vị trí á quân là nhà đầu tư, nhà tài chính lão luyện thế giới Warren Buffet.
Người giàu có thứ nhì hành tinh này đã làm giàu như thế nào và cuộc sống thường nhật của ông ra sao? Hãy xem lối sống giản dị và khiêm tốn của ông qua buổi phỏng vấn được đài CNBC thực hiện trong một giờ đồng hồ.
1. Ông bắt đầu mua cổ phiếu năm 11 tuổi và đến giờ ông vẫn cảm thấy hối tiếc vì đã không mua… sớm hơn.
2. Ông đã mua một trang trại nhỏ vào năm 14 tuổi bằng số tiền dành dụm được từ việc giao báo.
3. Ông vẫn sống trong một căn nhà nhỏ với 3 phòng ngủ ở ngoại vi thành phố Omaha. Ông mua căn nhà này cách đây 50 năm, sau khi ông vừa kết hôn. Ông cảm thấy mình sống thật đầy đủ và tiện nghi trong căn nhà ấy, và nhà ông không hề có tường rào để bảo vệ.
4. Ông luôn tự lái xe và không hề thuê tài xế hay bất kỳ một người nào để bảo vệ ông.
5. Ông không bao giờ sử dụng phi cơ riêng mặc dù ông sở hữu một công ty sản xuất phi cơ lớn nhất thế giới.
6. Tập đoàn Berkshire Hathaway của ông đang điều hành đến 63 công ty con khác. Hàng năm, ông chỉ viết một lá thư để liên lạc với các giám đốc điều hành của 63 công ty này để hoạch định mục tiêu hoạt động trong năm. Ông không bao giờ triệu tập họp mặt hay gọi điện cho họ theo định kỳ như các tập đoàn khác. Ông chỉ đạo các tổng giám đốc điều hành làm việc theo hai quy tắc mà thôi. Quy tắc 1: Đừng bao giờ làm mất tiền của cổ đông. Và quy tắc 2: Luôn ghi nhớ quy tắc 1.
7. Ông không thích tham gia các cuộc hội hè, đình đám với tầng lớp thượng lưu của xã hội. Sau những giờ làm việc căng thẳng, ông lại trở về nhà, tự làm cho mình một túi bắp rang bơ và thong dong xem truyền hình.
8. Bill Gates, nhân vật giàu có nhất thế giới, đã gặp ông cách đây năm năm. Bill nghĩ giữa hai người chẳng có điểm tương đồng nào, vì thế Bill chỉ dự định gặp ông trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Thế nhưng, trên thực tế, cuộc gặp mặt này kéo dài đến 10 giờ đồng hồ. Và từ đó, Bill Gates thật sự khâm phục Warren Buffet.
9. Warren Buffet không dùng điện thoại cầm tay, cũng chẳng có cái máy tính nào trên bàn làm việc của ông cả.
Ông đã nhắn nhủ với thế hệ trẻ như sau: “Đừng dùng thẻ tín dụng, tất cả những gì bạn cần làm là tập trung đầu tư cho chính bản thân mình và hãy nhớ rằng:
- Tiền bạc, của cải không tạo ra con người; chính con người mới tạo ra những thứ ấy.
- Hãy sống thật đơn giản và giản dị như chính con người của bạn.
- Đừng bao giờ làm theo lời người khác. Đó chỉ là ý kiến tham khảo cho bạn mà thôi. Hãy làm những gì bạn cho là đúng và đem lại cảm giác thoải mái cho bạn.
- Đừng phung phí tiền bạc cho những thứ không cần thiết, hãy sử dụng thật hiệu quả đồng tiền của bạn cho những người thật sự cần giúp đỡ.
Cuối cùng, cuộc sống là của riêng bạn, vậy thì tại sao lại để người khác định đoạt nó?”
Người giàu có và nổi tiếng đã khởi nghiệp thế nào?

Bạn là người của những đam mê và hoài bão lớn lao, nhưng bạn lại bị bó buộc trong một công việc nhàm chán và tẻ nhạt? Bạn thất vọng về bản thân mình và đang loay hoay tìm một hướng đi khác?
Hãy bình tĩnh nào, “vạn sự khởi đầu nan” mà. Bạn có biết rằng cả những người rất giàu có lẫn nổi tiếng đã từng khởi nghiệp từ những công việc bình thường nhất?
Chẳng hạn như Michael Dell, sáng lập viên kiêm chủ tịch tập đoàn sản xuất máy tính Dell đã từng cặm cụi rửa chén bát trong một nhà hàng Trung Hoa với mức lương chỉ 2,3 đôla một giờ. Bill Gates, người giàu có nhất thế giới hiện nay, đã từng chạy ngược chạy xuôi để lo những việc vặt trong trụ sở quốc hội Hoa Kỳ. Hay như William Watkins, giám đốc điều hành của Seagate Technology, đã phải miệt mài trực ca đêm tại một bệnh viện thần kinh trong những ngày đầu gian khó ấy. Và Sidney Kimmel, giám đốc điều hành của Jones New York, chỉ là một nhân viên giao nhận hàng của hãng Morton Manufacturing.
“Công việc cực kinh khủng, nhưng tôi lại thấy mình có cơ hội phát triển ở đó.” - Kimmel nhớ lại “thuở hàn vi” của mình. Dell cũng thầm cảm ơn những kinh nghiệm từ những ngày “chân ướt chân ráo” làm việc ở nhà hàng Trung Hoa: “Ông chủ nhà hàng là một người rất khôn khéo. Hôm nào tôi đi làm sớm một chút là ông nhận ra ngay, và thể hiện sự quan tâm rất đúng mực. Ông luôn niềm nở và phục vụ tận tình những thực khách của mình.”
Michael Drasny, chủ tịch danh dự kiêm sáng lập viên của tập đoàn máy tính CDW, nói về bài học kinh nghiệm bổ ích ngay từ “thuở lên 10”: “Tôi được hàng xóm thuê để dọn dẹp mớ gỗ vụn sau khi xây nhà. Tôi nhờ thêm mấy “chiến hữu” gần nhà để phụ giúp. Xong việc, tôi mời cả nhóm đi ăn kem 31 mùi. Từ đó, tôi học được một điều là mình không thể làm gì hiệu quả nếu không có sự trợ giúp của đồng đội.”
Những người nổi tiếng đã thể hiện tư chất thiên phú của họ ngay từ những công việc bình thường đó. Bill Murray ra hẳn ngoài cửa hàng để chào mời khách mua hạt dẻ, Rush Limbaugh liên tục đánh bóng những đôi giầy trong cửa tiệm, Robin Williams đã sáng tạo bằng cách biểu diễn kịch câm ngay trên vỉa hè, hay nhà tạo mẫu lừng danh Tommy Hilfiger đã rong ruổi trên chiếc xe tải để chào bán từng sản phẩm của mình.
Những nhân vật thành công vượt bậc mà chúng ta hâm mộ ngày nay đã không nề hà làm bất cứ việc gì để kiếm kế sinh nhai và theo đuổi ước mơ của họ. Jerry Seinfeld từng bán bóng đèn tròn qua điện thoại; Demi Moore làm việc trong một công ty thu nợ; David Lee Roth của ban nhạc Van Halen phải dọn dẹp giường và làm vệ sinh cho bệnh nhân trong một bệnh viện địa phương; Madonna làm thu ngân tại cửa hiệu Dunkin’ Donuts; Jennifer Aniston làm nữ bồi bàn, Brad Pitt thì chuyên giao tủ lạnh tại nhà cho khách hàng; và vài tháng trước khi thu đĩa nhạc đồng quê đầu tiên, Garth Brooks vẫn còn phải bán hàng trong một cửa hiệu giày ống.
Công việc của họ đôi khi cũng không được suôn sẻ cho lắm: vì thái độ phục vụ không tốt, Mariah Carey từng bị sa thải nhiều lần khi làm người giữ áo khoác và phục vụ trong các nhà hàng.
Và từ những công việc bình thường như thế, nhiều nhân vật đã vươn tới đỉnh cao sự nghiệp : nam tài tử Jack Nicholson được “phát hiện” trong khi làm việc tại phòng giao nhận thư của MGM, hay tác gia Stephen King đã lấy cảm hứng trong khi lau dọn phòng thay đồ để viết tiểu thuyết Carrie.
Chúng ta, những người đang “chập chững” xây dựng sự nghiệp cho riêng mình, có thể học tập gì từ những nhân vật nổi tiếng này?
“Hãy luôn làm việc hết sức của bạn và sẵn sàng phát triển hướng đi cho riêng mình.” Đó là lời khuyên của Carly Fiorina, cựu giám đốc điều hành của hãng Hewlett-Packard. Ông từng làm thư ký cho một công ty cho thuê tài chính sau khi tốt nghiệp trường đại học Stanford, chuyên ngành nghiên cứu lịch sử và triết học trung cổ.
“Bạn phải hy sinh lợi ích trước mắt để đầu tư cho những mục tiêu dài hạn của mình. Những người thành công vượt bậc đã chấp nhận làm những công việc bình thường nhất. Họ nỗ lực hết sức để có thành tích tốt nhất, và từ đó đã gặt hái được nhiều cơ hội phát triển.” - B. Grant Yarber, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của ngân hàng Capital, bổ sung.
Bill Johnson, chủ tịch kiêm giám đốc hành chánh của Progress Energy khuyên nhủ các cô con gái của mình: “Các con hãy theo đuổi những đam mê, mơ ước thật sự của mình. Lúc nào các con cũng phải làm việc hết khả năng của mình, vậy thì tại sao các con không đầu tư thời gian đó để làm những việc mà mình yêu thích?”
Khi còn phục vụ ở một nhà hàng Trung Hoa, Michael Dell đã học được một câu ngạn ngữ mà ông vô cùng tâm đắc: “Hãy làm những việc mà bạn thực sự yêu thích, và bạn sẽ không phải làm việc vất vả một ngày nào trong cuộc đời mình”
Bí quyết thành công của phụ nữ ngày nay

Mới đây, trường đại học Harvard của Mỹ đã dành vị trí chủ tịch cho bà Drew Gilpin Faust. Faust đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trong suốt lịch sử 371 năm của Harvard được đề cử vào vị trí chủ tịch của trường đại học nổi tiếng nhất nhì thế giới này. Khi còn bé, Faust nhớ có lần mẹ bà đã dạy rằng “Đây là thế giới của đàn ông con à. Con hãy nhớ điều ấy nhé con yêu, điều đó sẽ giúp con rất nhiều đó…” Faust nhớ như in lời mẹ dặn và ghi chú vào nhật ký của mình, nhưng cuối cùng bà đã từ chối không chấp nhận điều ấy.
Trong lĩnh vực chính trị, bà Hillary Clinton, ứng viên sáng giá của Đảng Dân chủ Mỹ, chẳng bao lâu nữa sẽ ra tranh cử vị trí tổng thống và rất có khả năng trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Và đó chỉ mới là 2 trong số rất nhiều trường hợp khác về những phụ nữ thành đạt trong thế giới hôm nay.
Rõ ràng quan niệm cho rằng phụ nữ chỉ phù hợp với việc ở nhà chăm sóc gia đình, con cái và thích hợp với những công việc của “nữ giới” như làm thư ký, kế toán đã không còn đúng nữa.
Ngày nay những phụ nữ nắm giữ các vị trí then chốt tại các doanh nghiệp lớn, những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng không hề thua sút các đối tác nam tại những buổi họp quan trọng, được giới mày râu kính nể và trọng vọng đã không còn là trường hợp hiếm hoi nữa. Người ta có thể thấy những việc làm được cho là phù hợp với phái nam trong lĩnh vực công nghệ cao, khoa học, kinh doanh và marketing… đã không còn là những việc làm của giới mày râu. Đấy là những lĩnh vực thu hút ngày càng nhiều phụ nữ và họ đã chứng minh được năng lực thậm chí hơn hẳn so với các đồng nghiệp nam.
Bí quyết nào giúp cho phụ nữ thành công trong thế giới ngày nay? “Bí mật” đó dù có vẻ giản đơn, lại đòi hỏi người phụ nữ một ý chí và nghị lực không nhỏ để có thể hoàn thành tốt 2 vai trò cùng lúc trong cuộc sống bận rộn ngày nay: làm việc nơi công sở và làm vợ làm mẹ.
Hiểu rõ nền văn hóa công tyCàng hiểu rõ nền văn hóa công ty, bạn càng có nhiều cơ hội thành công. Nếu chưa rõ một vấn đề gì, bạn đừng ngần ngại hỏi các đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn.
Thu thập kinh nghiệm Đừng ngại ngần đảm trách nhiều vị trí khác nhau trong công ty. Bạn càng có kiến thức sâu rộng về hoạt động của công ty, bạn càng được đánh giá cao.
Chứng minh năng lực của bạn và để nhiều người biết đến bạnViệc chứng tỏ năng lực của bạn nên được hiểu là “thể hiện những thành công mà bạn đã đạt được, những việc bạn có thể làm và đang làm tốt…”. Bạn đừng nên chứng tỏ mình theo cách khiến người khác nghĩ rằng bạn muốn là tâm điểm của vũ trụ hay gây nên những mối quan hệ căng thằng với đồng nghiệp.
Một phụ nữ giỏi chứng minh năng lực của mình thường hiểu rõ người mình cùng làm việc, tin tưởng vào các mối quan hệ tốt đẹp có thể giúp cho công việc được làm nhanh hơn và hiệu quả hơn và là người tin vào giải pháp đôi bên cùng thắng.
Phát triển mối quan hệ bè bạn Bạn đừng nên giấu kín mình trong văn phòng. Hãy mở rộng mối quan hệ bè bạn. Hãy nắm bắt mọi cơ hội để phát triển các mối quan hệ bè bạn. Bạn nhớ áp dụng điều đó trong mọi khía cạnh của cuộc sống lẫn trong công việc. Hãy phát triển mối quan hệ bè bạn với những người thành công có cùng mục tiêu nghề nghiệp như bạn.
Học thêm kỹ năng cần thiếtBạn hãy học thêm kỹ năng mới và phát triển những kỹ năng cần thiết để thăng tiến trong nghề nghiệp. Nhiều công ty sẽ trả chi phí cho bạn đi học các khóa nâng cao, nếu không bạn có thể tự trang trải cho các khóa học này.
Lập kế hoạch nghề nghiệp Hãy lập kế hoạch nghề nghiệp cụ thể mô tả rõ mục tiêu nghề nghiệp của bạn và thường xuyên đánh giá lại các mục tiêu đã đặt ra. Nếu không có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng, bạn khó có thể đi đến đỉnh cao nghề nghiệp trong thời gian ngắn nhất.
Tìm một phong cách lãnh đạo phù hợp Là phụ nữ, bạn cần có một phong cách lãnh đạo phù hợp với mình. Bạn vừa nên linh hoạt lại vừa đủ mạnh mẽ để bảo vệ quan điểm của mình.
Hãy cho thấy mục tiêu cá nhân và mục tiêu nghề nghiệp của bạn là hoàn toàn tách bạch Bạn đừng để người khác nghĩ rằng bạn mới đóng góp chỉ phân nửa khả năng của mình cho công việc vì lý do gia đình. Bạn hãy cho thấy sự khác biệt này ngay từ đầu – toàn tâm toàn ý cho công việc nơi công sở và dành thời gian còn lại cho gia đình khi rời khỏi công ty.
Có một cuộc sống gia đình hạnh phúcKhông ai có thể phủ nhận một gia đình hạnh phúc là lý do đằng sau sự thành đạt của người phụ nữ.Nếu đã có gia đình, bạn đừng ngần ngại chia sẻ với người bạn đời của mình về công việc hiện tại, đặc biệt khi công việc đó có thể lởn vởn trong đầu bạn sau giờ làm việc. Việc chia sẻ đó sẽ giúp cho bạn giải quyết được vấn đề và giúp cho cuộc sống của bạn tươi đẹp hơn.
Nếu bạn còn độc thân, một gia đình hạnh phúc với bố mẹ thương yêu và các anh chị em thân thương sẽ là nguồn động lực to lớn giúp bạn vượt qua bất kỳ khó khăn thách thức nào trong công việc và cuộc sống.
Bí quyết tìm việc hiệu quả

Hằng năm, hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường. Quy trình tìm việc bắt đầu… Họ gửi đi hàng chục bộ hồ sơ cho các doanh nghiệp… nhưng phản hồi từ nhà tuyển dụng khiến họ thất vọng. Rào cản lớn nhất đối với các tân khoa này chính là kinh nghiệm làm việc còn hạn chế. Và cũng có thể họ đã bỏ lỡ nhiều kênh giúp họ tìm việc một cách nhanh chóng và hiệu quả:
Đăng hồ sơ lên mạng
Với số người sử dụng Internet ngày càng tăng, ngày nay nhiều nhà tuyển dụng chọn cách đăng tuyển trên mạng. Hằng ngày, hàng ngàn nhà tuyển dụng sử dụng dịch vụ này để tìm hồ sơ của ứng viên. Vì vậy, bạn nên đăng ký một tài khoản trên một trang web tuyển dụng uy tín để đăng hồ sơ tìm việc. Điều quan trọng là bạn cần có bộ hồ sơ tìm việc tốt (gồm CV và thư xin việc) để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.
Bạn có thể vào mục “
Mới tốt nghiệp / Thực tập sinh” trên trang VietnamWorks.com. Trang mục này luôn có nhiều vị trí dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp.
Tìm trên website công ty
Nhiều doanh nghiệp đăng các vị trí cần tuyển ngay trên website của công ty (dưới mục Tuyển dụng hay Cơ hội nghề nghiệp). Đây là một kênh quý báu giúp bạn tìm được vị trí đang cần tuyển tại các doanh nghiệp một cách nhanh chóng.
Nộp hồ sơ trực tiếp đến công ty
Nếu bạn muốn làm việc cho một công ty nào đó, hãy gửi hồ sơ tìm việc trực tiếp cho công ty đó. Bạn nên gửi cho phòng nhân sự hay người có quyết định tuyển dụng. Thực tế không phải lúc nào bạn cũng có thể biết chính xác người phụ trách tuyển dụng. Bạn cần sử dụng mối quan hệ của mình để tìm hiểu thông tin này.
Phát triển tốt mối quan hệ bè bạn
Mối quan hệ bè bạn tốt đẹp là một trong những cách giúp bạn có được thông tin việc làm nhanh nhất. Bạn nên cho bạn bè, người thân biết bạn đang tìm việc làm. Họ có thể là những người đầu tiên biết những cơ hội việc làm không được đăng công khai trên báo chí hay các kênh tuyển dụng.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các ứng viên có thể được mời phỏng vấn rất nhanh sau khi biết tin về vị trí cần tuyển của doanh nghiệp. Bạn thấy đấy, mối quan hệ tốt đẹp sẽ giúp bạn rất nhiều!
Tham gia ngày hội việc làm
Ngày hội việc làm là một trong những cơ hội quý báu giúp bạn gặp gỡ trực tiếp với nhiều nhà tuyển dụng. Ngày hội việc làm thường được tổ chức tại nhiều thành phố lớn. Tại TP HCM, hàng năm các công ty thường tham gia ngày hội việc làm do các trường danh tiếng như Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế tổ chức…
Làm việc bán thời gian
Bạn đừng ngại làm việc bán thời gian. Nếu bạn chứng tỏ được năng lực của mình, bạn sẽ có cơ hội được làm việc chính thức khi công ty có vị trí trống. Nếu không, ít nhất bạn cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm, hiểu được hoạt động của doanh nghiệp, gặp gỡ những người mà bạn quan tâm và kiếm được một khoản thu nhập cho mình nữa.
Bạn thấy đó, ngày nay, càng sử dụng nhiều kênh tìm việc, bạn càng dễ dàng tìm được công việc mơ ước của mình.
5 bí quyết đơn giản để thành công

Bạn đã nắm trong tay mình hành trang gì để thành công và thăng tiến trong sự nghiệp? Hành trang giúp bạn đạt được điều đó thật sự rất đơn giản. Bạn hãy xem mình đã sở hữu những yếu tố sau đây chưa nhé:
Tinh thần thépTrong quá trình làm việc, chắc chắn bạn sẽ gặp phải nhiều lời phê bình lẫn phản đối từ cấp trên và đồng nghiệp. Đừng nản chí! Bạn phải biết đứng lên và học hỏi từ những vấp ngã đó. Hãy bình tĩnh giải quyết vấn đề và chứng tỏ năng lực của mình. Đối đầu một đôi lần với những lời phê bình sẽ giúp bạn trui rèn bản lĩnh và tinh thần thép để vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Mục tiêu hoài bão nhưng có thể đạt đượcNếu muốn sự nghiệp tiến xa, bạn cần có mục tiêu cụ thể cho mình. Tuy nhiên, “Vấn đề của chúng ta không phải là mục tiêu đặt ra quá cao và không thể với tới, mà là mục tiêu đó quá tầm thường và chúng ta có thể đạt được dễ dàng” (theo danh họa Michelangelo). Vì vậy hãy đặt cho bạn mục tiêu đầy hoài bão nhưng cần đảm bảo rằng bạn có kế hoạch cụ thể và khả thi để thực hiện. Đầu tiên, hãy xác định cho mình mục tiêu dài hạn; tiếp đó bạn sẽ phân thành những mục tiêu nhỏ hơn để có thể dễ dàng thực hiện được.
Sự tự tinNgười tự tin là người có nhiều cơ hội thành công nhất, cả trong công việc lẫn trong cuộc sống. Khi tự tin, bạn có thể vượt qua mọi khó khăn thách thức vì bạn luôn tâm niệm mình có thể “làm được”. Chẳng hạn bạn tự tin mình thật sự xứng đáng để yêu cầu được tăng lương hay thăng chức. Có thể bạn sẽ không đạt được ngay điều mong muốn, nhưng “thất bại là mẹ thành công”. Không chóng thì chầy bạn sẽ thành công nếu bạn kiên trì theo đuổi tới cùng mục tiêu của mình.
Khéo léo thể hiện thành tích bản thânĐừng vùi đầu làm việc mà quên cả thể hiện thành tích của bạn một cách khéo léo. Nếu bạn vừa hoàn thành một dự án lớn, hãy viết email cám ơn những người đã tham gia (nhớ gửi một bản sao cho sếp). Đó là cách giúp bạn bày tỏ sự biết ơn đối với đồng nghiệp, và (điều này quan trọng hơn!) khéo léo làm nổi bật những thành tích của mình.
Noi gương những người thành côngMột đồng nghiệp hay cấp trên có thành tích và tài năng nổi bật chính là hình mẫu lý tưởng cho bạn. Hãy quan sát cách họ giải quyết một vấn đề nan giải hay cách họ đeo đuổi mục tiêu một cách quyết đoán và thành công như thế nào. Đó là những bài học vô giá để bạn học tập và rèn luyện theo.
Luôn vươn tới tầm cao

“Từ khi còn bé, tôi đã rất ấn tượng với hình ảnh các doanh nhân năng động trong các buổi thương thuyết với các đối tác kinh doanh…” anh Bùi Ngọc Quốc Hưng bắt đầu chuyện kể của anh về
nghề kinh doanh (sales). Từ một sinh viên mới tốt nghiệp chỉ có hành trang là kiến thức học ở trường, anh đã không ngừng phấn đấu học hỏi và phát triển từ nhiều môi trường năng động và chuyên nghiệp của các công ty quốc tế danh tiếng. Hiện anh là Giám Đốc Phát Triển Kinh Doanh của công ty VietnamWorks, phụ trách đội ngũ 45 nhân viên sales năng động. Với những trải nghiệm đó, anh đã chia sẻ với Alo VietnamWorks những bí quyết để thành công trong lĩnh vực đầy thách thức nhưng rất thú vị này.
"Hãy vươn tới trời cao vì dù không chạm tới được thì bạn cũng đã ở giữa những vì tinh tú." Đó là câu châm ngôn mà tôi thích nhất. Để thành công, tôi cho rằng nhân viên sales cần năng nổ, xốc vác và có một chút hiếu thắng nữa. Tôi muốn nói hiếu thắng theo nghĩa tích cực. “Hiếu thắng” có nghĩa là không bao giờ chịu đầu hàng trước bất kì khó khăn nào. Hoài bão trong nghề sales là một điều kiện hết sức quan trọng. Tôi luôn đặt mục tiêu cao, tìm mọi cách để đạt được mục tiêu đó và không bao giờ hài lòng với những thành tích đạt được. Khả năng giao tiếp và đàm phán tốt là những tố chất không thể thiếu của một nhân viên làm sales giỏi. Đặc biệt, trong kinh doanh sản phẩm vô hình như ngành dịch vụ, khi tạo dựng được mối quan hệ tốt với khách hàng, bạn đã đạt được 80% cơ hội thành công. Nhiều người nghĩ rằng nhân viên sales phải nói nhiều. Tôi không nghĩ như vậy! Bản thân tôi thuộc tuýp người ít nói từ khi còn bé. Điều quan trọng là những gì bạn nói phải có giá trị và thuyết phục được người nghe.
Người làm sales không nên chỉ là một nhân viên kinh doanh thuần túy vì họ cần có khả năng tư vấn cho khách hàng. Vì vậy, không những phải trau dồi hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ của công ty, họ còn phải cập nhật kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội và cả nghệ thuật nữa. Ví dụ, để thắt chặt mối quan hệ với khách hàng, nhân viên sales nên biết trò chuyện với khách về nhiều đề tài khác nhau, biết chơi thể thao hay khiêu vũ giao lưu với khách tại các buổi dạ tiệc….
Nhân viên sales thường xuyên chịu áp lực về doanh số, áp lực từ khách hàng… Một thực tế đầy thách thức đối với nhân viên sales là họ phải chứng tỏ được khả năng của mình thông qua kết quả kinh doanh đạt được. Vì vậy nghề sales đòi hỏi nhân viên phải có khả năng chịu đựng áp lực cao và tinh thần thép để vượt qua những thách thức đó. Họ còn phải linh hoạt để thích nghi với nhiều thay đổi và tìm ra giải pháp thích hợp cho từng vấn đề.
Từ khi ra trường đến nay, tôi luôn gắn bó với nghề sales. Có lẽ do tôi yêu công việc năng động nhưng cũng đầy thử thách này. Nếu bạn sáng tạo, năng động, và đầy hoài bão; hãy chọn lĩnh vực kinh doanh để phát triển sự nghiệp của mình.
Giã từ các thói quen xấu nơi công sở!

Sau vài năm làm việc hết mình, cơ hội thăng tiến dường như vẫn rất xa tầm tay bạn? Bạn có biết một số thói quen không hay đã len lỏi vào cuộc sống công sở mà bạn không hề hay biết? Chính những thói quen này đã vô tình làm phiền lòng những người xung quanh và trở thành rào cản ngăn chặn bước đường phát triển sự nghiệp của bạn. Vậy những thói quen này là gì, làm sao để nhận diện và từ bỏ chúng?
Lấn át trong mọi cuộc tranh luận. Một số người có thói quen cắt ngang lời nói của người khác để đưa ra ý kiến của mình trong bất kỳ cuộc tranh luận nào. Tệ hơn, họ còn khăng khăng bác bỏ ý kiến của mọi người để khẳng định ý kiến của mình là đúng nhất. Để tránh những trường hợp như thế, bạn nên học cách lắng nghe những gì người khác trình bày và cho thấy bạn hiểu rõ và trân trọng quan điểm của đồng nghiệp.
Luôn giành phần thắng. Bạn hãy nhớ là trong mọi cuộc tranh luận hay khi đàm phán, không ai muốn nhận mình là kẻ thua cuộc. Vì vậy người thành công là người biết sử dụng phương pháp “mọi người cùng thắng” thay vì cứ cố công đánh bại đối phương. Bạn nên tranh luận hay đàm phán trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi” để đạt được giải pháp tốt nhất.
Phô trương, cao ngạo. Đừng bao giờ để đồng nghiệp gọi bạn là anh chàng/cô nàng “Biết Tuốt”. Chẳng ai thích những người phô trương kiến thức hay khoác lác, tự cao tự đại và xem thường người khác đâu. Dĩ nhiên, bạn cần tự tin trong công việc, nhưng tự tin quá mức sẽ cô lập bạn với những người xung quanh. Bạn nên tỏ ra dễ mến, khiêm tốn và chân thành lắng nghe để học hỏi từ đồng nghiệp của mình.
Quá e dè hoặc thiếu tự tin. Trái với kiểu cách trên, một thói quen không hay mà bạn nên tránh là không tự tin, tỏ ra quá rụt rè trước mọi người. Bạn đừng ngại rằng ý kiến của mình nêu ra sẽ bị bác bỏ. Và cũng đừng ngại phát biểu trong các buổi thảo luận. Nên nhớ rằng mọi ý kiến nêu ra đều có giá trị riêng, điều quan trọng là bạn biết cách trình bày một cách thuyết phục ý kiến của mình trước người khác bằng việc chuẩn bị thật kỹ trước khi trình bày.
Thổ lộ quá nhiều về cuộc sống riêng tư. Những tâm sự về đời sống riêng tư của bạn đôi khi sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín của bạn trong công ty. Vì thế, hãy khéo léo từ chối những câu hỏi riêng tư nếu bạn không muốn chia sẻ. Nếu có ai đó quá tò mò về cuộc sống cá nhân của bạn, hãy nhẹ nhàng nói với anh ta/cô ta “Thôi mà, bồ hỏi làm chi đâu!”
“Buôn dưa lê”. Bàn tán chuyện của người khác trong công sở là thói quen xấu nhất. Xây dựng mối quan hệ thật tốt với các đồng nghiệp không có nghĩa là bạn phải hỏi thăm về cuộc sống gia đình họ. Giả sử có ai đó tâm sự những điều thầm kín nhất với bạn, bạn cũng không nên kể lại cho bất kỳ ai, hãy giữ đó là điều bí mật giữa bạn và người đồng nghiệp kia mà thôi.
10 Bí quyết để giúp bạn thành công trong nghề nghiệp

1. Không ngừng học hỏi.2. Luôn tìm cách hoàn thiện những điều bạn đang làm. Vận dụng những điều bạn học được để phát triển ý tưởng mới.3. Làm việc đến nơi đến chốn và hãy luôn hãnh diện về điều đó.4. Sống thực với những giá trị mà bạn theo đuổi.5. Quên đi những điều làm bạn không vui (vì chúng chỉ làm tổn hao năng lượng của bạn mà thôi), thay vào đó bạn hãy tập trung năng lượng cho công việc.6. Hãy học cách chăm sóc bản thân thật tốt để luôn cảm thấy khỏe khoắn.7. Cân đối thời gian: ngoài thời gian dành cho công việc, bạn cần đảm bảo thời gian cho gia đình, bạn bè và cho bản thân.8. Lắng nghe mọi người một cách cẩn thận.9. Thiết lập mối quan hệ tốt trong công việc và bên ngoài.10. Bố trí công việc một cách khoa học, hợp lí; khuyến khích, động viên người khác làm việc theo cách của họ.
Tạo dựng và duy trì mối quan hệ - Bí quyết để thành công

Nhiều người cho rằng kỹ năng quan trọng bậc nhất ngày nay để có thể thành công trong sự nghiệp chính là: kỹ năng tạo dựng và duy trì các mối quan hệ. Kỹ năng này đặc biệt quan trọng khi bạn cần phải trải qua một vài công việc mới có thể đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Một vài mối quan hệ mà bạn cần duy trì tại công sở có thể kể đến như:
Quan hệ với cấp trên: Bạn thành công hay thất bại, bạn thăng tiến hay ở nguyên vị trí điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cấp trên của bạn. Một người sếp có thể đào tạo, hướng dẫn, động viên, tư vấn cho bạn những điều bổ ích, cần thiết cho công việc hiện tại và cả sự nghiệp sau này. Bạn nên khéo léo “tranh thủ” sự ủng hộ, giúp đỡ của sếp. Hãy tạo mối quan hệ thật tốt với sếp và hãy chứng tỏ với sếp năng lực làm việc của bạn. Không cần phải nói, quan hệ với cấp trên là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất mà bạn nên tạo dựng và phát triển.
Quan hệ với đồng nghiệp: Những người đồng nghiệp sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều. Để có thể có được mối quan hệ tốt đẹp với họ, hãy ủng hộ, động viên, giúp đỡ họ vào những lúc cần thiết. Xây dựng và giữ mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp sẽ giúp cho cả bạn và đồng nghiệp cùng tiến bộ trong công việc. Đồng nghiệp cũ cũng có thể trở thành đầu mối liên lạc cho bạn trong công việc sau này.
Quan hệ với khách hàng: Một người khách hàng có thể nói tốt về bạn trước sếp của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng có cơ hội thăng tiến trong công việc. Hãy duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ. Biết đâu, một ngày kia, khi cần tuyển nhân viên, họ sẽ nghĩ ngay đến bạn.
Tạo dựng và duy trì mối quan hệ tại công sở không những giúp bạn thăng tiến trong nghề nghiệp, mà còn góp phần tạo một môi trường làm việc tích cực cho bạn hàng ngày.
Bí quyết để được sếp tăng lương

Đề nghị tăng lương, ý nghĩ này có thể làm nhiều người e dè. Nhưng đó là quyền của bạn được đề nghị tăng lương nếu bạn đã làm việc thật tốt và thấy mình xứng đáng được như thế. Hãy can đảm lên; sự chuẩn bị thật tốt và cách tiếp cận khéo léo một chút sẽ giúp bạn tự tin hơn để đề nghị tăng lương thành công. Nếu biết cách gõ, cửa sẽ mở. Bạn chẳng mất gì sau một lời đề nghị tế nhị cả. Những gợi ý đơn giản sau đây của chúng tôi sẽ rất có ích cho bạn trong trường hợp này.
Trình bày thành tích xuất sắc của bạnHãy cho sếp thấy bạn đã có những đóng góp quan trọng và giá trị như thế nào đối với hoạt động của công ty. Ví dụ như bạn đã nâng cao doanh số bán hàng ra sao, bạn đã hoàn thành xuất sắc một dự án phức tạp trong một hạn định rất ngắn bằng cách nào… Hãy liệt kê càng cụ thể càng tốt để thuyết phục sếp bạn xứng đáng được tăng lương cho những thành tích đó.
Hay nếu bạn mới có một bằng cấp rất có ích cho công việc và công ty, bạn còn ngại gì nữa mà không liệt kê vào danh sách thành tích của bạn. Và cũng đừng quên gửi sếp các email hoặc thư từ khen ngợi từ cấp trên, khách hàng hay đồng nghiệp dành cho bạn.
Chọn đúng thời điểmThời điểm tốt nhất để đề nghị tăng lương là sau khi bạn vừa thực hiện thành công một dự án phức tạp hay các nhiệm vụ khó khăn. Khi đó, bạn có thể thuyết phục dễ dàng hơn vì sếp đang có ấn tượng rất tốt về bạn và đánh giá cao năng lực của bạn.
Khéo léo trình bày đề nghị tăng lươngHãy chuẩn bị thật kỹ danh sách các thành tích của bạn cho sếp tham khảo. Sau đó bạn hãy trực tiếp nói chuyện với sếp về đề nghị của mình, và bình tĩnh thương lượng với sếp để đạt được thỏa thuận cho cả hai bên.
Đừng bao giờ lấy đồng nghiệp khác ra so sánh, và cũng đừng bao giờ đe dọa nghỉ việc theo kiểu “Hoặc tăng lương cho tôi, hoặc tôi sẽ thôi việc”. Sếp có thể sẽ chọn vế sau cho bạn đó.
Bạn cũng không nên mất bình tĩnh hay có hành động không hay nếu sếp từ chối yêu cầu của bạn. Trong trường hợp đó, bạn nên chọn thời điểm thích hợp khác, có thể một vài tháng sau, khi bạn đạt được những thành tích khác ấn tượng hơn. Một cách khác nữa là bạn cần chứng minh năng lực của mình bằng những thành tích xuất sắc nhất để thuyết phục sếp thăng chức cho bạn. Và một khi bạn được đề bạt ở vị trí cao hơn, tăng lương sẽ là điều tất yếu.
Bí quyết để lọt vào tầm ngắm của sếp

Trong công việc, nhiều nhân viên nghĩ đơn giản rằng nếu họ làm việc chăm chỉ thì sẽ được sếp trọng vọng và cân nhắc lên vị trí cao hơn. Thực tế không hẳn thế đâu! Bạn cần biết cách khéo léo thể hiện những thành tích của mình để được sếp chú ý và các đồng nghiệp nể phục. Bí quyết để đạt được điều đó thật ra rất đơn giản:
Xung phong đảm trách thêm việcBạn nên xung phong làm thêm việc của phòng ban hay công ty nếu bạn tin rằng mình làm tốt công việc đó. Ví dụ công ty bạn đang chuẩn bị tổ chức Tiệc Tất Niên và đang cần thành lập ban tổ chức. Vậy bạn hãy xung phong tham gia nếu bạn thấy mình có đủ thời gian đảm trách tốt việc này. Đây sẽ là cơ hội quý báu giúp bạn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm; và quan trọng hơn, là dịp để bạn thể hiện sự nhiệt tâm của mình đối với công ty!
Đóng góp ý kiếnHãy phát biểu ít nhất 3 lần trong mỗi cuộc họp! Bạn chỉ cần xem kỹ chương trình họp và soạn ra những ý kiến đóng góp. Đó là cách để bạn có những ý kiến giá trị nêu lên trong buổi họp. Đừng bao giờ quá im hơi lặng tiếng, người khác sẽ nghĩ rằng bạn chẳng có ý tưởng gì đặc biệt đấy.
Tiếng lành đồn xa Đồng nghiệp càng biết nhiều về bạn, về khả năng của bạn thì tên của bạn càng được mọi người nhớ và nhắc đến. Bạn hãy thân thiện, hòa nhã và chân thành giúp đỡ đồng nghiệp. Đó là cách giúp nâng cao uy tín của bạn.
Trau dồi kỹ năng và trình độSếp luôn dành nhiều thiện cảm cho những nhân viên biết học hỏi thêm. Vì thế, bạn nên cập nhật những thay đổi và phát triển trong ngành nghề của bạn thông qua các khóa học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn.
Tiếp cận với sếpSếp là người có ảnh hưởng quan trọng đối với sự thăng tiến nghề nghiệp của bạn. Bạn đã nghĩ đến việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với sếp chưa? Một trong những cách đơn giản là bạn có thể chuyện phiếm về những sở thích của sếp vào giờ giải lao. Nhân những lúc đó, bạn có thể trình bày kế hoạch phát triển nghề nghiệp của mình hay mong muốn đóng góp lâu dài cho sự phát triển của công ty.
Chuyên viên tư vấn nhân sự, nghề thời thượng

Có lẽ bạn từng thắc mắc nghề “Chuyên viên tư vấn tuyển dụng cao cấp” là gì? Vì sao hiện nay nghề này được xem là nghề VIP? Chuyên viên tư vấn tuyển dụng cao cấp là “cầu nối” giữa các nhà tuyển dụng và nhân tài. Nói cách khác họ là người “chiêu binh” cho CEO và Giám đốc nhân sự của các công ty trong hành trình săn lùng nhân tài. Nếu bạn hỏi bất kỳ CEO nào ở Việt Nam: “Mối quan tâm hàng đầu của ông trong công tác quản lý là gì?”, chắc chắn họ sẽ trả lời ngay: “Nhân sự”. Thật vậy, Nhân Sự là tài sản lớn nhất của các công ty, là nhân tố giá trị nhất mà các CEO không tiếc thời gian, ngân sách và công sức để tìm kiếm, chiêu mộ và lưu giữ lâu dài. Chuyên viên tư vấn là người nắm lấy sứ mệnh quan trọng: giúp các ứng viên và nhà tuyển dụng “tìm thấy nhau”.
“Tôi yêu công việc của mình. Tôi gắn bó với vị trí này đã 4 năm nay. Theo tôi, sau nghề bác sĩ và giáo viên, tư vấn nhân sự là nghề cao quý thứ ba. Tôi tự hào được giúp đỡ mọi người tìm thấy những công việc mơ ước của họ, cải thiện cuộc sống, giúp họ tăng thu nhập và phát triển sự nghiệp”. Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Lan Phương, Giám sát viên bộ phận tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao của công ty Navigos Group. Không khó lý giải vì sao Lan Phương yêu công việc này đến thế. Công việc của cô đang làm không hề đơn điệu. Cô có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với các ứng viên và nhà tuyển dụng ở đủ mọi ngành nghề, trình độ và nhiều quốc tịch khác nhau. Hầu hết ứng viên cô tiếp xúc đều ở vị trí cấp cao.
Nhìn vào danh sách khách hàng của Phương, chúng ta hiểu ngay vì sao cô là người luôn bận rộn, năng động và sáng tạo. Khách hàng của cô đến từ các tập đoàn đa quốc gia, công ty tư nhân, công ty cổ phần; từ công ty có quy mô nhỏ, vừa đến lớn; từ ngành Hàng tiêu dùng, Dược phẩm, Dầu khí, Bảo hiểm, Kỹ thuật, Bất động sản cho đến Giáo dục, Ngân hàng, Tài chính , Quỹ đầu tư, Xây dựng... Và “quà tặng” quý báu nhất mà không một nghề nào khác có thể mang đến cho cô: những mối quan hệ chuyên nghiệp và kiến thức rộng về đủ ngành nghề đa dạng. Lan Phương cho biết thêm “Tìm được công việc tốt cho các ứng viên là niềm hạnh phúc to lớn của tôi”.
“Thế một ngày làm việc của chuyên viên tư vấn nhân sự ra sao?”– Chị Phương cho biết “Tìm kiếm ứng viên, phỏng vấn họ, gặp gỡ, đến thăm khách hàng và khám phá nhu cầu của họ…” Bằng việc sử dụng kỹ năng sắc bén, sự thân thiện và khả năng giao tiếp hoàn hảo, các chuyên viên tư vấn sẽ tìm ra ứng viên tài năng và các ứng viên phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà tuyển dụng.
Với những hiểu biết trên về Chuyên viên tư vấn tuyển dụng cao cấp, bạn hãy tự hỏi mình xem: “Tôi có phẩm chất của một chuyên viên tư vấn tuyển dụng không? Tôi có muốn trở thành nhà tuyển dụng không?”, “Tôi có muốn mở rộng mối quan hệ của mình?”.

Bi quyet cua nguoi thanh cong va giau co !

Bí quyết của người thành công và giàu có

Bạn có biết những người có mục tiêu cụ thể cho cuộc đời mình là những người thành công và giàu có nhất? Cuộc khảo sát thực hiện tại trường đại học Yale ở Mỹ đã cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa những người biết rõ mục tiêu của đời mình và những người không biết mình muốn gì trong cuộc sống.
Năm 1980, khi được hỏi về mục tiêu đặt ra cho cuộc đời, chỉ có 3% số sinh viên tham gia khảo sát viết ra mục tiêu và kế hoạch thực hiện cụ thể. 13% sinh viên có mục tiêu, nhưng không viết ra giấy. 84% còn lại hoàn toàn không biết (hoặc không có) mục tiêu hay kế hoạch nào.
15 năm sau, sự khác biệt giữa nhóm có mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời mình và 2 nhóm còn lại thật sự gây bất ngờ. Số 13% sinh viên có mục tiêu nhưng không viết ra giấy có thu nhập cao gấp 2 lần những sinh viên không biết mình muốn gì trong đời. Điều gây ngạc nhiên lớn nhất nằm ở nhóm 3% sinh viên có mục tiêu và kế hoạch thực hiện chi tiết: họ có thu nhập cao gấp 10 lần tổng thu nhập của 97% sinh viên còn lại! (trích từ Never Eat Alone)
Đặt mục tiêu cho cuộc đời có quá khó khăn như nhiều người nghĩ không? Câu trả lời là “không” nếu bạn thực hiện các bước đơn giản sau:
1. Hãy trả lời câu hỏi “Tôi yêu thích gì?”
Tốt nghiệp ngành ngoại ngữ, Thi không biết được cô thật sự muốn làm việc ở lĩnh vực nào. Cô đã thử sức trong ngành kinh doanh và Marketing, nhưng kết quả không được như ý. Thi loay hoay đổi việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cuối cùng cô nhận ra rằng cô yêu tiếng cười và thế giới trẻ thơ biết bao. Hiện nay, Thi là một giáo viên giỏi và yêu nghề, làm việc tại một trường tiểu học quốc tế.
Vậy thì, trước tiên, bạn cần xác định rõ: Bạn thích làm việc gì nhất? Bạn đam mê điều gì từ thuở ấu thơ? Bạn có năng khiếu trong lĩnh vực nào và bạn muốn thử sức mình trong ngành nghề nào?
2. Hãy viết mục tiêu của bạn ra giấy
Nếu bạn không lên kế hoạch thực hiện mục tiêu của mình thì mục tiêu đó sẽ mãi là những ước mơ. Để mục tiêu của bạn trở thành sự thật, hãy lưu ý những điểm sau:
- Mục tiêu cần cụ thể, chi tiết và rõ ràng. Bạn cần xác định các bước phải thực hiện và thời hạn hoàn thành.
- Mục tiêu cần thực tế và khả thi. Ví dụ nếu bạn muốn trở thành Giám đốc Tài chính, ít nhất bạn phải có trong tay bằng cử nhân Tài chính và một số kỹ năng khác để theo đuổi vị trí này. Nhiều người không bao giờ đạt được mục tiêu của mình vì mục tiêu họ đặt ra vượt quá xa khả năng của họ.
- Tuy nhiên, một mục tiêu quá bình thường sẽ chẳng có ý nghĩa. Vì vậy bạn nên đặt ra mục tiêu đầy hoài bão, thậm chí chấp nhận một số rủi ro nhất định.
3. Xác định cách thức phù hợp nhất để thực hiện mục tiêu
- Trước tiên, bạn cần thực hiện các mục tiêu ngắn hạn để tiến tới thực hiện các mục tiêu dài hạn hơn.
- Tìm hiểu xem ai có thể hỗ trợ bạn thực hiện các mục tiêu này nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đó có thể là sếp của bạn, bạn thân hay một đồng nghiệp rất thành đạt ở công ty.
- Tận dụng các công cụ hỗ trợ giúp bạn đạt được mục tiêu dễ dàng hơn. Ví dụ nếu bạn muốn nâng cao khả năng nghe tiếng Anh thì bạn cần nghe và xem đài nước ngoài nhiều hơn.
4. Tìm “Ban Tư Vấn” cho bạn
“Ban Tư Vấn” có thể là người thân trong gia đình, bạn bè hay những người có nhiều kinh nghiệm. Hãy nhờ họ chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Từ đó, bạn sẽ biết được mình nên đầu tư thời gian và công sức cho mục tiêu nào.

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2007

5 bài hoc trong cuôc đoi


  • Bài học về sự quan tâm
    Trong tháng thứ 2 của khoá học y tá, vị giáo sư của chúng tôi đã cho chúng tôi một câu hỏi hết sức bất ngờ trong bài thi vấn đáp. Tôi đã lướt qua hầu hết các câu hỏi trong bài thi, và ngạc nhiên dừng lại ở câu hỏi cuối cùng: “Hãy cho biết tên người phụ nữ quét dọn trường học của chúng ta?”. Một câu hỏi không có trong chuyên môn, chắc đây chỉ là một câu hỏi đùa thôi. Tôi đã nghĩ vậy!
    Thật ra, tôi đã nhìn thấy người phụ nữ đó vài lần. Cô ấy cao, tóc sẫm màu và khoảng chừng 50 tuổi nhưng làm sao mà tôi có thể biết được tên cô ta cơ chứ? Tôi đã kết thúc bài làm của mình với câu cuối cùng bị bỏ trống.
    Cuối giờ kiểm tra, một sinh viên đã hỏi vị giáo sư rằng: “Liệu ông có tính điểm cho câu hỏi cuối cùng kia không?”, ông ta trả lời: “Chắc chắn rồi”, rồi ông nói tiếp: “Trong công việc, các em sẽ gặp rất nhiều người, tất cả họ đều quan trọng, họ xứng đáng được nhận sự quan tâm của các em, dù chỉ là một nụ cười hay một câu chào”.
    Tôi đã không bao giờ quên bài học đó trên mỗi bước đường đời của mình sau này, và tôi cũng không bao giờ quên tên của người phụ nữ đó, cô Dorothy.


    Bài học về sự giúp đỡ
    Trong một đêm mưa bão bất thường trên đường phố Alabama vắng vẻ, lúc đó đã 11h30 khuya, có một bà lão da đen vẫn cứ mặc cho những ngọn roi mưa quất liên hồi vào mặt, cố hết sức vẫy vẫy cánh tay để xin đi nhờ xe.
    Một chiếc xe chạy vút qua, rồi thêm một chiếc xe nữa, không ai để ý đến cánh tay dường như đã tê cứng vì lạnh cóng. Mặc dù vậy, bà lão vẫn hy vọng và vẫy chiếc xe kế tiếp. Một chàng trai da trắng đã cho bà lên xe. (Mặc cho cuộc xung đột sắc tộc 1960). Bà lão trông có vẻ rất vội vã, nhưng cũng không quên cám ơn và ghi lại địa chỉ của chàng trai.
    Bảy ngày trôi qua, cánh cửa nhà chàng trai tốt bụng vang lên tiếng gõ cửa. Chàng trai ngạc nhiên hết sức khi thấy một cái tivi khổng lồ ngay trước cửa nhà mình. Một lá thư được đính kèm, trong đó viết: "Cảm ơn cháu vì đã cho bà đi nhờ xe vào cái đêm mưa hôm ấy. Cơn mưa không những đã làm ướt sũng quần áo mà nó còn làm lạnh buốt trái tim và tinh thần của bà nữa. Rồi thì lúc đó cháu đã xuất hiện như một thiên thần. Nhờ có cháu, bà đã được gặp người chồng tội nghiệp của mình trước khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng. Một lần nữa bà muốn cảm ơn cháu đã không nề hà khi giúp đỡ bà."
    Cuối thư là dòng chữ: “Chân thành - Bà Nat King Cole”.


    Bài học về lòng biết ơn
    Vào cái thời khi mà món kem nước hoa quả còn rất rẻ tiền, có một câu chuyện về cậu bé 10 tuổi thế này: Ngày nọ, Jim - tên của cậu bé - sau một hồi đi qua đi lại, ngó nghiêng vào cửa hàng giải khát đông nhất nhì thành phố, nơi có món kem nước hoa quả mà cậu rất thích, mạnh dạng tiến lại gần cái cửa, đẩy nhẹ và bước vào. Chọn một bàn trống, cậu nhẹ nhàng ngồi xuống ghế và đợi người phục vụ đến.
    Chỉ vài phút sau, một người nữ phục vụ tiến lại gần Jim và đặt trước mặt cậu một ly nước lọc. Ngước nhìn cô phục vụ, cậu bé hỏi: “Cho cháu hỏi bao nhiêu tiền một đĩa kem nước hoa quả ạ?”. “50 xu“, cô phục vụ trả lời. Nghe vậy, Jim liền móc trong túi quần ra một số đồng xu lẻ, nhẩm tính một hồi, cậu hỏi tiếp: “Thế bao nhiêu tiền một đĩa kem bình thường ạ?”. “35 xu”, người phục vụ vẫn kiên nhẫn trả lời cậu bé mặc dù lúc đó khách vào cửa hàng đã rất đông và đang đợi cô. Cuối cùng, người nữ phục vụ cũng mang đến cho Jim món kem mà cậu yêu cầu, và sang phục vụ những bàn khác. Cậu bé ăn xong kem, để lại tiền trên bàn và ra về.
    Khi người phục vụ quay trở lại để dọn bàn, cô ấy đã bật khóc khi nhìn thấy 2 đồng kẽm (1 đồng bằng 5 xu) và 5 đồng xu lẻ được đặt ngay ngắn trên bàn, bên cạnh 35 xu trả cho đĩa kem mà Jim đã gọi - Jim đã không thể có món kem nước hoa quả mà cậu ấy thích bởi vì cậu ấy chỉ có đủ tiền để trả cho một đĩa kem bình thường và một ít tiền boa cho cô.

    Bài học về sự tự giác và trách nhiệm
    Xưa thật là xưa, có một ông Vua nọ, một hôm ông ta sai quân lính đặt một tảng đá lớn nằm chắn ngang đường đi. Xong, ông nấp vào một bụi cây gần đấy và theo dõi.
    Lần lượt ông ta thấy, những thương nhân giàu có đi qua, rồi đến những cận thần của ông đi qua, nhưng không ai có ý định xê dịch tảng đá sang bên nhường chỗ cho lối đi cả, họ chỉ lẩm nhẩm đổ lỗi cho nhà Vua vì đã không cho người giữ sạch sẽ con đường.
    Một lúc sau, nhà Vua nhìn thấy một người nông dân đi tới với một xe rau cồng kềnh nặng trĩu. Nhìn thấy tảng đá, người nông dân liền ngừng xe và nhảy xuống đất, cố hết sức mình ông ta đã đẩy được tảng đá sang bên kia vệ đường. Vừa làm ông ta vừa lẩm bẩm: “Thật không may nếu có ai đó không thấy mày và vấp phải, chắc là sẽ đau lắm đây”. Xong đâu đấy, người nông dân quay trở lại xe để tiếp tục đi tiếp, thì bỗng nhìn thấy một bao tiền to đùng đặt ngay chỗ mà ông đã di chuyển tảng đá. Đó là một một món quà của Đức Vua cho người nào dịch chuyển được tảng đá.
    Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy: Vật cản đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt.

    Bài học về sự hy sinh
    Đã lâu lắm rồi, nhiều năm đã trôi qua, khi tôi còn là tình nguyện viên tại một bệnh viện, tôi có biết một cô gái nhỏ tên Liz - cô ấy đang mắc phải một căn bệnh rất hiểm nghèo.
    Cơ hội sống sót duy nhất của cô là được thay máu từ người anh trai 5 tuổi của mình, người đã vượt qua được cơn bạo bệnh tương tự một cách lạ thường nhờ những kháng thể đặc biệt trong cơ thể. Bác sĩ đã trao đổi và giải thích điều này với cậu bé trước khi yêu cầu cậu đồng ý cho cô em gái những giọt máu của mình. Lúc ấy, tôi đã nhìn thấy sự lưỡng lự thoáng qua trên khuôn mặt bé nhỏ kia. Cuối cùng, với một hơi thở thật sâu và dứt khoát cậu bé đã trả lời rằng: “Cháu đồng ý làm điều đó để cứu em cháu”.
    Nằm trên chiếc giường kế bên em gái để thuận tiện hơn cho việc truyền máu, cậu bé liếc nhìn em gái và đôi mắt ngời lên niềm vui khi thấy đôi má cô bé hồng lên theo từng giọt máu được chuyền sang từ người cậu. Nhưng rồi, khuôn mặt cậu bỗng trở nên tái xanh đầy lo lắng, cậu bé ngước nhìn vị bác sĩ và hỏi với một giọng run run: “Cháu sẽ chết bây giờ phải không bác sĩ?” Thì ra, cậu bé non nớt của chúng ta đã nghĩ rằng: cậu ta sẽ cho cô em gái tất cả máu trong người mình để cứu cô ấy và rồi cậu sẽ chết thay cô.
    Bạn thấy không, sau tất cả những hiểu lầm và hành động của mình, cậu bé đã có tất cả nhờ đức hy sinh...
    Cuộc sống có câu: “Hãy cho đi thứ bạn có, rồi bạn sẽ được đền bù xứng đáng”.
(Theo Inspiration and Friendship)