Ai có nhu cầu tên miền liên hệ email

Ai có nhu cầu tên miền liên hệ email
kimtinh1982@gmail.com

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

Xin đừng vấy bẩn tuổi thơ
Phòng C1 đóng kín cửa. Bên ngoài, nhiều người lớn ngó nghiêng, áp sát tai để mong nghe trọn những gì diễn ra trong phòng. Khoảnh sân nhỏ trước dãy phòng xử có hai bé gái hồn nhiên đùa nghịch, chạy nhảy. Thấy tôi đến, cô chị hỏi trống không: “Gì mà đông người quá vậy?”, rồi ngước đôi mắt trong veo tò mò nhìn tôi. Bé gái nhỏ chạy đến níu tay chị. Lại bắt đầu cuộc rượt đuổi giữa hai chị em như không hề có buổi xét xử, mà nạn nhân chính là các em
Bị cáo năm nay vừa tròn 17 tuổi. Là người đồng hương, được cha mẹ các em nhận vào làm công cho gia đình đồng thời chăm sóc hai bé những khi họ vắng nhà. Và rồi chuyện đau lòng xảy ra khi bé lớn vừa tròn 7 tuổi còn cô em lên 3, cái tuổi chỉ biết nghe theo và tin tưởng hoàn toàn vào người lớn. May sao, cha mẹ hai em phát hiện kịp thời, hậu quả nghiêm trọng vì thế chưa xảy ra. Nhưng tuổi thơ của các em đã bị vấy bẩn từ đó.
Hôm ấy tòa xử kín. Chẳng ai nghe được nguyên nhân, cách thức phạm tội, lời sám hối muộn màng của bị cáo, trừ HĐXX, cha mẹ hai bé và cha bị cáo. Tôi cũng chỉ ở bên ngoài. Biết câu chuyện thông qua lời kể dè dặt của những người bà con đi cùng để giữ hộ các em trong khi cha mẹ ngồi tòa. Họ bảo, hôm ở cơ quan điều tra, con bé lớn đã nhiều lần khai rất chi tiết, tỉ mỉ về hành vi của bị cáo. “Chuyến này thằng ấy bị nặng chứ không phải vừa”. Tôi giật mình tự hỏi, một đứa bé 7 tuổi sẽ khai những gì, nếu không được người lớn chỉ dạy? Và rồi ký ức chẳng mấy tốt đẹp ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần có trở thành nỗi ám ảnh giày vò, đau buốt về sau? Nếu quả thật như thế, việc chỉ dạy cách khai báo cho có đầu có đũa, với những lời nói, hành vi kiểu người lớn, liệu có nên không, dẫu là để trừng phạt đích đáng kẻ phạm tội? Hay một lần nữa lại làm vấy bẩn tâm hồn trong sáng của các em? Ngắm hai đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa, hồn nhiên nghịch con thú nhồi bông gắn trên giỏ xách của tôi, hồn nhiên nhìn qua tấm cửa kính tìm mẹ để đòi nước uống, tôi cứ mong các em mãi mãi không biết được mình là nạn nhân của một hành vi bỉ ổi; mãi mãi vô tư như thể chưa một lần bị vấy bẩn thể xác lẫn tâm hồn.
Cửa mở, HĐXX tuyên án. Mọi người được vào trong ngồi nghe. 12 năm tù và bồi thường 20 triệu đồng, đó là cái giá mà bị cáo phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Quay nhìn con, cha bị cáo nói, mang cái tội này nhục nhã với xóm giềng, bà con đã đành, tương lai nó hoàn toàn mờ mịt là điều khó tránh khỏi nhưng lo nhất là tòa yêu cầu bồi thường 20 triệu đồng. Của nả không có gì, nghèo xác xơ, biết lấy tiền đâu ra? Tôi hiểu nỗi lo của người cha nghèo. Nhưng với hai bé gái- nạn nhân, 12 năm tù và 20 triệu đồng hay nhiều hơn thế nữa vẫn không thể xóa đi những vết bẩn trong tâm hồn trẻ thơ. Đó là chưa kể, danh dự, nhân phẩm, tương lai, hạnh phúc cũng vì đó mà có thể không còn.
Tôi chăm chăm nhìn gương mặt non choẹt, thuần nông của bị cáo, cố tìm ra một điều gì đó để biện hộ cho hành vi của hắn. Nhưng chịu. Luật sư bào chữa nói, ở lứa tuổi không còn nhỏ nhưng cũng chưa phải là người lớn, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, trong khi đó bị cáo không được giáo dục đến nơi đến chốn, không hiểu biết pháp luật, bị ảnh hưởng bởi phim tình cảm, phim đồi trụy... Ừ, thì vẫn là những nguyên nhân phạm tội cũ rích. Nhưng ngẫm lại, là bài học không thừa cho lứa tuổi vị thành niên và cả những bậc cha mẹ có con gái nhỏ.
Tố Trâm(NLD)