Sức mạnh của ngôn ngữ cử chỉ
Đã bao giờ bạn thấy bối rối khi đồng nghiệp đứng quá gần bạn trong khi trò chuyện? Người Á Đông thường cảm thấy không thoải mái khi khoảng cách tiếp xúc quá gần, trong khi người Mỹ Latin và Trung Đông lại cho rằng điều đó thể hiện sự thân thiện và tin cậy nhau. Nếu hiểu được ngôn ngữ cử chỉ của các nền văn hóa khác nhau, bạn sẽ tránh được nhiều tình huống gây hiểu lầm đáng tiếc và thành công khi thương lượng với các đối tác kinh doanh nước ngoài.
• Nhìn thẳng vào mắt khi giao tiếp “Paige là Giám Đốc Marketing ở một công ty lớn của Mỹ. Cô không hiểu vì sao John (một nhân viên người Mỹ gốc Nhật) lại hiếm khi nhìn thẳng vào mắt cô khi trò chuyện. John thường nhìn cô rất nhanh rồi lại lảng tránh ngay ánh nhìn của cô. Paige thật sự bối rối, cô không biết cách quản lý nhân viên của mình có chỗ nào không đúng hay chính John đang giấu giếm cô điều gì đó...”*
Ví dụ trên cho thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ cử chỉ ở từng nền văn hóa khác nhau. Đối với người Nhật, nhìn chằm chằm vào mắt người giao tiếp bị xem là bất lịch sự, đặc biệt là những người mới quen hoặc những người có chức vụ cao hơn bạn. Điều này hoàn toàn trái ngược lại trên đất Mỹ, nơi không nhìn thẳng vào mắt người nói chuyện bị xem là thô lỗ, thiếu tôn trọng, thậm chí là nói dối.
Gợi ý: Nếu bạn làm việc ở các công ty châu Âu, Canada hoặc Mỹ, bạn nên nhìn thẳng vào mắt của sếp hay các đồng nghiệp phương Tây khi trao đổi. Điều đó thể hiện sự tự tin của bạn. Ngược lại, bạn nên tránh nhìn thẳng vào mắt của các đối tác người Nhật khi đàm phán với họ.
• Giữ khoảng cáchNgười châu Á thường giữ khoảng cách ít nhất là 1 mét khi giao tiếp. Trong khi đó, người Mỹ Latin và Trung Đông thích đứng gần nhau, đôi khi chỉ cách nhau chừng nửa mét. Đối với người Mỹ và châu Âu, khoảng cách này là trung bình cộng của hai khoảng cách trên.
Gợi ý: Bạn nên giữ khoảng cách phù hợp khi giao tiếp với đối tác hay đồng nghiệp. Ví dụ khi bạn phỏng vấn ứng viên, khoảng cách tiếp xúc quá gần sẽ khiến cho ứng viên cảm thấy không thoải mái, mất bình tĩnh và không nghe rõ những gì bạn nói. Hoặc khi đánh giá thành tích làm việc của nhân viên, bạn sẽ khiến cho nhân viên có cảm giác bị uy hiếp và có khuynh hướng bác bỏ đề nghị hay phê bình của bạn nếu bạn đứng quá gần anh ta.
• Làm thế nào để cư xử đúng mực đối với các ngôn ngữ cử chỉ khác nhau?Bạn có nên làm giống ngôn ngữ cử chỉ của người khác? Hay bạn nên tránh những cử chỉ có thể làm người khác phật lòng? Điều này tùy thuộc vào mối quan hệ của bạn với người giao tiếp, cũng như ngôn ngữ cử chỉ ở nền văn hóa của họ khác với văn hóa của bạn ra sao.
Gợi ý: Dĩ nhiên khi một ai đó đứng quá gần và chạm vào tay bạn trong khi nói chuyện, bạn đừng làm theo như vậy. Bạn cũng đừng vội đứng xích ra ngay. Hãy quan sát để chắc rằng sự tiếp xúc thân mật đó hoàn toàn xuất phát từ mong muốn của họ muốn giao tiếp và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn. Ngược lại, nếu một đối tác kinh doanh cố tình giữ khoảng cách khá xa với bạn, bạn nên tôn trọng và điều chỉnh khoảng cách của bạn để phù hợp với người này.
* Cuối cùng, Paige cũng hiểu rằng văn hóa Nhật chính là nguyên nhân làm John không nhìn thẳng vào mắt cô. Từ khi còn bé, John được dạy rằng phải luôn kính trọng người lớn hay người có chức vụ cao hơn mình. Paige đã trò chuyện cùng John, chia sẻ và hiểu rõ ảnh hưởng của văn hóa Nhật đến cách hành xử trong giao tiếp của anh. Còn John cũng đã cởi mở hơn khi nhìn thẳng vào mắt của sếp Paige và nhiều đồng nghiệp khác. Họ thỏa thuận với nhau rằng sẽ John sẽ nhìn thẳng sếp và đồng nghiệp trong các buổi họp và bất kỳ cuộc gặp gỡ nào nơi công sở.
Ngôn ngữ cử chỉ ở một số nền văn hóa khác nhau
Ý nghĩa
Gật đầu
“Tôi đồng ý” ở hầu hết các quốc gia.
“Tôi không đồng ý” ở một số nơi tại Hy Lạp, Yugoslavia, Bungari, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hất đầu ra sau
“Đồng ý” ở Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Lào.
Nhướng lông mày
“Đồng ý” ở Thái Lan và một số nước khác ở châu Á.
“Xin chào” ở Phillipines.
Nháy mắt
“Tôi có bí mật muốn chia sẻ với anh nè!” ở Mỹ và các nước châu Âu.
Là dấu hiệu tán tỉnh người khác giới ở một số quốc gia khác.
Mắt lim dim
“Chán quá!” hay “Buồn ngủ quá!” ở Mỹ.
“Tôi đang lắng nghe đây.” ở Nhật, Thái Lan và Trung Quốc.
Vỗ nhẹ (bằng ngón trỏ) lên mũi
“Bí mật đó nha!” ở Anh
“Coi chừng!” hay “Cẩn thận đó!” ở Ý
Khua tay
Người Ý thường xuyên khua tay khi trò chuyện.
Ở Nhật, khua tay khi nói chuyện bị xem là rất bất lịch sự.
Khoanh tay
Ở một số quốc gia, khoanh tay có nghĩa là “Tôi đang phòng thủ!” hoặc “Tôi không đồng ý với anh đâu.”
Dấu hiệu “O.K.” (ngón cái và ngón trỏ tạo thành chữ O)
“Tốt đẹp” hay “Ổn cả” ở hầu hết các nước.
“Số 0” hoặc “Vô dụng!” tại một số nơi ở châu Âu.
“Tiền” ở Nhật Bản.
Là sự sỉ nhục người khác ở Hy Lạp, Braxin, Ý, Thổ Nhĩ Kỹ, Liên bang Nga và một số quốc gia khác.
Chỉ trỏ
Ở Bắc Mỹ hay châu Âu, dùng ngón trỏ để chỉ là chuyện bình thường.
Ở Nhật Bản, Trung Quốc chỉ người khác bằng ngón trỏ bị xem là bất kính và vô cùng bất lịch sự. Người ta thường dùng cả bàn tay để chỉ ai đó hay vấn đề gì đó