Ông chủ thành công chỉ nhờ 10% may mắn
Ảnh minh họa của Google.
Trước khi bắt tay vào kinh doanh, bạn nên tự đánh giá bản thân để biết mình có tính cách, trình độ và số vốn cần thiết không? Việc kinh doanh thành công 90% là do chủ doanh nghiệp làm việc tích cực và có kỹ năng cần thiết, chỉ 10% là nhờ may mắn.
> Những thách thức khi khởi sự kinh doanh
Hãy tham khảo những điểm sau đây để bạn xem có thể thành công tới mức nào:
1- Đặc điểm cá nhân:
- Quyết tâm: Để thành công trong kinh doanh bạn phải có quyết tâm, sẵn sàng đặt việc kinh doanh lên trên hết. Có nghĩa là bạn muốn kinh doanh lâu dài và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong kinh doanh.
- Động cơ: Tại sao bạn có kế hoạch khởi sự kinh doanh? Việc kinh doanh có thể dễ dàng thành công hơn nếu bạn có kế hoạch và vì bạn thực sự muốn trở thành một chủ doanh nghiệp thành đạt. Nếu bạn kinh doanh vì buộc phải như vậy, hay là vì bạn đang thất nghiệp, thì bạn sẽ ít có cơ hội thành công hơn. Nhưng điều này thực sự phụ thuộc vào mức độ quyết tâm khởi sự doanh nghiệp của bạn.
- Thành thật: Nếu bạn không thành thật với nhân viên, những người cung cấp và khách hàng, bạn sẽ bị mang tiếng. Tiếng xấu sẽ ảnh hưởng không tốt tới việc kinh doanh.
- Sức khỏe: Tiến hành kinh doanh là công việc vất vả. Bạn cần có sức khỏe để làm việc tích cực.
- Chấp nhận rủi ro: Không có ý tưởng kinh doanh nào tuyệt đối an toàn. Bạn luôn phải chịu rủi ro trong kinh doanh. Cho dù một người sẵn sàng chịu rủi ro khi kinh doanh thì cũng chỉ nên để xảy ra những rủi ro có thể chấp nhận được sau khi đã cân nhắc kỹ.
- Quyết đoán: Trong kinh doanh, bạn phải đưa ra các quyết định quan trọng chứ không thể đẩy cho người khác. Ra các quyết định lớn là việc rất quan trọng trong điều hành doanh nghiệp. Bạn có thể ra các quyết định lớn hay không?
- Sự hỗ trợ của gia đình: Tiến hành kinh doanh sẽ mất nhiều thời gian. Điều quan trọng là phải được gia đình ủng họ. Họ phải đồng tình với kế hoạch khởi sự doanh nghiệp của bạn. Muốn có được điều này bạn phải chuẩn bị kỹ bản kế hoạch kinh doanh để thuyết phục gia đình tin tưởng vào việc kinh doanh của bạn sẽ thành công.
- Tình hình tài chính: Sẽ là điểm mạnh nếu bạn có vốn để kinh doanh và mất tiền thì cũng gây ảnh hưởng lớn.
2- Kỹ năng và kiến thức
- Tay nghề kỹ thuật: Là những năng lực thực hành cần thiết để sản xuất hay cung ứng dịch vụ trong kinh doanh. Thí dụ để mở hiệu may bạn phải biết cắt may, để kinh doanh gara ôtô thì bạn phải biết sửa xe.
- Các kỹ năng quản lý kinh doanh: Là những kỹ năng cần thiết để điều hành kinh doanh có hiệu quả. Quan trọng nhất là kỹ năng quản lý nhân sự, nhưng ngoài ra còn cần đến các kỹ năng về tiếp thị, tính chi phí và sổ sách kế toán.
- Kiến thức về ngành kinh doanh: Nếu bạn có kinh nghiệm và kiến thức về ngành kinh doanh của mình, bạn sẽ tránh được những thiếu sót thường gặp.
- Các kỹ năng cá nhân: Bạn cũng biết rằng không phải ai cũng có thể kinh doanh thành đạt. Những người kinh doanh thành công phải có một số kỹ năng đặc thù để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người chèo lái doanh nghiệp.
Những kỹ năng đó có thể nêu ngắn gọn là:
Sáng tạo: Khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, có nhiều ý tưởng mới, tìm ra những giải pháp sáng tạo.
Kinh doanh: Luôn có sáng kiến, suy nghĩ tích cực, mạo hiểm, kiên định.
Thu thập thông tin: Có kỹ năng tổ chức nghiên cứu, phân tích thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin.
Tự chủ: Chủ động, quyết đoán, ham học hỏi, có động cơ, giải quyết vấn đề.
Giao tiếp: Kỹ năng nghe, viết, giao tiếp, thỏa thuận, trình bày.
Tổ chức: Lập kế hoạch, quản lý thời gian, xác định và phấn đấu đạt mục tiêu.
Kỹ thuật công nghệ: Sử dụng tốt Internet, máy tính...
Kỹ năng đối nhân xử thế: Lãnh đạo, giải quyết mâu thuẫn, quản lý, theo dõi và làm việc theo nhóm, tư vấn.
(Theo Tài liệu hướng dẫn thanh niên lập nghiệp)