Ai có nhu cầu tên miền liên hệ email

Ai có nhu cầu tên miền liên hệ email
kimtinh1982@gmail.com

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2008

Mùa Trung Thu

Cuối cùng rồi Trung Thu cũng đến. Với ánh trăng rằm, với nắng hanh hao, với bưởi, hồng, đèn ông sao và múa sư tử... Bạn ở phương nam hay phương bắc, ở thôn quê hay thành thị, có thể cảm nhận về Trung Thu rất khác nhau, ngọt ngào hạnh phúc, hay băn khoăn nuối tiếc. Nhưng Trung Thu vẫn cứ như một niềm vui lớn của trẻ thơ, của cả những ai đã qua thời thơ ấu, dẫu chưa trọn vẹn hay mỹ mãn, vẫn được con người đón đợi, háo hức, chờ mong.

Ngọt ngào thu

Trời xanh cao vời vợi màu hồ thủy, nắng như tơ, từng sợi thả xuống óng ánh. Hà Nội dịu dàng, hồi hộp đón mùa cốm mới. Đây đó thấp thoáng bóng áo nâu quẩy đôi gánh chung chiêng, bên trong lấp ló những quả thị vàng mượt, những quả ổi chín hồng tỏa mùi thơm thôn dã, bình dị, xưa xưa cổ tích…Trên những hàng cây loáng thoáng vài chiếc lá vàng… Mùa thu Hà Nội hanh hao đã đổi chỗ mùa hạ nồng nàn, cháy bỏng.

Tôi ở phương nam, một năm chỉ có hai mùa mưa, nắng. Nắng đổ xuống như chảo lửa cứ hừng hực như đốt cháy cả lòng người. Mưa thì như nghiêng trời lệch đất, nước cuồn cuộn trôi, trôi tuột mọi thứ, con người cũng muốn tan theo nước mà trôi đi.

Hà Nội sớm thu. Ảnh: Bùi Tuấn
Hà Nội sớm thu. Ảnh: Bùi Tuấn
Người phương nam là tôi đã được tặng một món quà tuyệt đẹp của phương Bắc, của Hà Nội, mà không phải lúc nào cũng có thể có - mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm, thơ nhất trong năm, mà phương Nam không bao giờ có được. Khẽ khàng, mỏng manh trong hơi sương sớm, se se trong cơn gió nhẹ bảng lảng qua các con phố… Mùa thu Hà Nội như một thứ men ngọt ngào, nhấp từng giọt, từng giọt để say hồi nào không biết, và cứ muốn say mãi.

Cốm Làng Vòng, hương vị thu Hà Nội, nét lạ đầy ấn tượng. Những hạt cốm xanh ngọc mang hương trời khí đất, cả hồn quê, được bọc bằng chiếc lá sen phảng phất hương thơm thoát tục, bên ngoài buộc thêm sợi rơm vàng, như gói những nét tinh tế lên hàng nghệ thuật một món quà dân dã của người Hà Nội.

Ngay cả đến cách ăn, người Hà Nội cũng biến thành một nghệ thuật thưởng thức. Không phải xúc từng muỗng (thìa) lớn như ở phương nam khi ăn cốm dẹp trộn dừa, xúc hết muỗng này tới muỗng khác, ào ào một lúc là hết. Cốm Vòng đựng trong lá sen, chụm mấy ngón tay nhúm vài hạt, bỏ vào miệng, nhẩn nha vị cốm dẻo, ngọt thơm, tan từ đầu lưỡi thấm vào… để cảm nhận hết hương vị trời đất, đồng quê, nắng gió...

Ở phương nam, mùa hạ là mùa hội tụ các loại cây trái. Ở Hà Nội, hình như mùa thu mới là lúc trái quả phô diễn hết sắc vị được tích tụ, chắt lọc. Hồng đỏ mọng môi ngọt lịm, na xanh biếc thanh tao, bưởi vàng ngọt mát the the đầu lưỡi, nhãn nâu ngọt đậm đà…

Đặc biệt là một thứ quả chỉ có ở Hà Nội - quả sấu. Vàng ươm, chua ngọt, một thứ quả không phải để bày biện cho đẹp cho sang, nhưng len lỏi khắp nơi trong đời sống, từ nhà hàng đặc sản đến bữa ăn nghèo đạm bạc bình dân, từ quí cô, quí bà đến các em bé bán báo dạo trên phố cũng đều ưa thích.

Những quả sấu chín vàng đựng đầy trong rổ hay chất một đống nhỏ trên mảnh nilon ở hè phố, ở góc chợ…, nhìn ngồ ngộ, quê mùa, xấu xí, nhưng sao hấp dẫn đến kỳ lạ. Tôi đã đứng thật lâu quan sát, thấy thứ quả bình thường mà có sức mê hoặc đến hết thảy mọi người không phân biệt sang hèn. Thảo nào mà trong văn trong thơ viết về Hà Nội, nhiều người nhắc đến quả sấu như một nỗi nhớ, một mối tình vấn vương, một kỷ niệm ấu thơ rất riêng của Hà Nội, không lẫn vào đâu được.

Mùa thu Hà Nội, không chỉ là cái nắng vàng tơ mơn man, ấm áp, là bầu trời thăm thẳm trong vắt không gợn mây, là hương quả đầy mời gọi, mà còn là nét quyến rũ đến ngọt say người phương nam từ những đêm trăng và hoa sữa. Đêm và hoa mùa thu Hà Nội đẹp lạ lắm. Đêm tĩnh lặng, nhẹ lâng lâng, trong veo. Những ồn ào, vất vả của ngày hình như ngủ theo mặt trời. Ánh trăng rằm phủ xuống vầng sáng mát lạnh, bóng hàng cây hoa sữa sẫm màu.

Đêm đẹp như mộng. Đêm sóng sánh, hoa sữa ngọt say thả mùi hương theo gió lan tỏa cả mặt hồ. Trăng, hoa lẫn vào sương giăng mỏng mờ, lãng đãng, bí ẩn. Bầu trời lấp lánh các vì sao như bức tranh cẩn vụn kim cương của nghệ sĩ thần tiên dành riêng ban tặng cho những ai thức cùng đêm. Tôi đã đi như thế, cảm nhận vẻ đẹp của đêm thu Hà Nội mãi đến khi sương tụ lại từng giọt đọng trên lá cỏ. Đâu đó, nhịp thở của một ngày mới sắp bắt đầu.

Mùa thu - món quà tặng của Hà Nội cho người phương nam như tôi, giống vị ngon, vị ngọt, hương say của môi hôn tình đầu.

Nỗi niềm mùa Trung Thu

Ở quê tôi, và rất nhiều miền quê khác nữa, Tết Trung Thu dành cho trẻ con bao giờ cũng sôi động, rộn rã. Thành thói quen từ lâu, ngoài việc chuẩn bị các thứ thiết yếu để cúng rằm như: thịt lợn, mâm ngũ quả, bánh nếp, bánh tẻ… bà tôi vẫn không quên mua cho tôi một cái trống nhỏ cùng với đèn ông sao, để khi ăn rằm xong, còn đi trông trăng cùng bạn bè trong xóm.

Vui đêm Trung thu. Ảnh: Theo danang.gov.vn
Vui đêm Trung Thu. Ảnh: Theo danang.gov.vn
Trời sâm sẩm tối, cũng là lúc ông trăng bắt đầu chồi lên khỏi ngọn tre phía sân nhà. Lúc đầu trăng còn mờ mờ, rồi sau trăng tươi tắn, rực rỡ vô ngần. Rõ đến nỗi, đẹp đến nỗi có cảm giác nhìn thấy cả chú cuội ngồi dưới gốc cây đa.

Ngôi làng nhỏ của tôi, dù chưa có điện nhưng rực rỡ lên vì ánh sáng của muôn chiếc đèn lồng được kết từ những tờ giấy gói oản. Tiếng trống vang vang thúc giục cả lũ trẻ con chúng tôi vào cuộc. Giống như các bạn, chỉ cần nghe tiếng trống, tôi đã trực sẵn để nhập cuộc. Trước khi đi chơi, bà còn dúi vào tay tôi chiếc bánh rậm, đề phòng khi đói.

Tiếng trống vang đến đâu, y rằng lại có thêm mấy đứa trẻ ùa ra. Đám trẻ con chúng tôi như bầy chim nhỏ nô đùa, rước đèn dưới trăng.

Rước đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan...

Cứ thế chúng tôi hăng say hát hò, nhảy múa đến tận khuya mới phá cỗ, khi trăng bắt đầu mang thứ ánh sáng diệu kỳ sang xứ khác. Trong đám trẻ, có nhiều đứa buồn, vì ngày rằm tháng tám như trôi đi nhanh quá.

Theo thời gian, lũ trẻ chúng tôi lớn lên cùng đổi thay của đất nước, mỗi đứa một công việc, có đứa đi xa, nhiều đứa ở lại làng, có đứa thành đạt, có đứa còn dang dở… Nhưng kỷ niệm của những đêm Trung Thu vẫn còn nguyên vẹn.

Tết Trung Thu bây giờ - từ lúc nào không rõ, hình như cũng là “Tết” của người lớn. Đêm Trung Thu, nhiều nhà đổ ra đường, cùng với đám con cái ngắm trăng, "ngắm" Tết Trung Thu.

Có lần, giữa đám đông vui vẻ, bỗng một đứa trẻ ở đâu xen vào chìa cái mũ ra trước mọi người. Nhiều người xua tay ra hiệu đi chỗ khác. Nhưng cũng có một vài người bỏ vào cái mũ nhỏ ấy một chút tiền hoặc quà. Đứa trẻ lễ phép cúi người xuống cảm ơn. Tự nhiên tôi thấy xót xa. Giờ này, đáng ra em đang ngồi bên mâm cơm cùng gia đình vui đón Tết Trung Thu, hoặc cùng bạn bè đi phá cỗ. Giờ này em phải vui mừng với chiếc đèn ông sao trong bộ quần áo mới đón trăng.

Mà đâu chỉ riêng em, còn có nhiều cái bóng nhỏ nhoi, xiêu xiêu cúi mình chìa tay với hy vọng được chia sẻ. Nhưng đáp lại cái cử chỉ lễ phép ấy, cũng có nhiều cái phẩy tay xua đuổi, nạt nộ.

Đêm khuya, người đi chơi Trung Thu lại dòng dòng trở về tổ ấm. Những ngôi nhà đóng chặt cánh cửa hạnh phúc. Nhưng dưới những mái hiên sang trọng, hay trên những nhà chờ xe buýt, lẫn trong đám người lớn lang thang, những đứa trẻ không biết đến Tết Trung Thu vẫn còn nhiều lắm.

  • Hoài Hương - Gia Hưng

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vasc.com.vn hoặc hpthao@vasc.com.vn

Ho ten: Tran Lang
Dia chi: Thai Binh
Email: trandanglang.qp.@vnn.vn
Noi dung: Đã mấy mùa Trung thu rồi đều mưa. Thương bọn trẻ chẳng có một ngày vui trọn vẹn. Trung thu năm nay cũng thế. Lâu lắm rồi ngành giáo dục mới cho nghỉ 2 ngày. Vậy mà, chiều 14 âm, trại mới vừa dựng lên thì lại có lệnh phải dỡ bỏ. Tất cả tập trung vào phòng chống bão lụt. Bao nhiêu công lao tập tành, bao nhiêu niềm vui háo hức. Ngồi nhìn trời mưa và cơn bão số 4 sắp đổ vào quê mình mà thương, mà lo. Cánh đồng lúa đang oằn mình trước gió và nước. Đồng quê sắp đến mùa gặt. Ông trời lại cướp đi bát cơm ngon của trẻ nhỏ. Lũ trẻ quê nghèo lại chuyển trại vào mái đình, mái chùa làng, mượn ánh điện mà mường tượng về ánh trăng rằm. Đâu đó vẫn vang lên tiếng trống và người lớn vẫn đội mưa đi chợ lo cho các em một ngày liên hoan. Thương lắm Trung thu mưa.

Ho ten: Linh Quang
Tieu de: Hãy tạo ra sân chơi thực sự cho các em nhỏ
Noi dung: Tết Trung thu năm nay mặc dù không vào ngày nghỉ nhưng các hoạt động tổ chức vui chơi cho các cháu thiếu nhi hầu hết đều được tiến hành. Các em nhỏ đều có quà từ cha mẹ, người thân và được vui chơi. Nhưng phải nói rằng, Tết Trung thu bây giờ không còn như ngày xưa nữa. Trẻ em thiếu chỗ chơi, người lớn coi đây là dịp để đi quà cáp, biếu xén và còn đủ thứ khiến cho ngày Tết của trẻ em bị nhạt đi. Và như vậy, ý nghĩa của Tết Trung thu không còn đậm đà như xưa nữa.

Tôi còn nhớ như in ngày bé, cứ mỗi khi đến Tết Trung thu, bọn trẻ con chúng tôi lại háo hức. Háo hức không phải vì được chơi những đồ chơi hiện đại, đẹp mắt bán sẵn như bây giờ, mà ngày ấy từ ngày 10 Tết, chúng tôi đã tự làm lấy những chiếc đèn ông sao, tự tay làm những cái trống. Chúng tôi tìm những chiếc nón rách, cắt bỏ lá đi lấy vành nón, nhiều khi vành nón còn bị méo vì nón đã cũ quá, rồi cố uốn lại cho tròn; và tìm giấy, mà làm gì có giấy xanh đỏ như bây giờ, ngày ấy chúng tôi hay lấy vở viết đã cũ, cắt ra rồi cuốn vòng tròn; ông sao ở giữa thì phải nhờ ông nội chẻ tre gắn thành chiếc đèn ông sao. Tuy đơn giản thế t hôi nhưng được tự tay làm những chiếc đèn chúng tôi mê lắm. Trống ếch thì đích thực là trống ếch. Chúng tôi bắt ếch, rồi lột da, phơi cho se mặt da rồi căng lên mặt ống bơ sữa bò. Khi gõ lên cũng thấy tiếng kêu. Thế là được cái trống ếch. Cầm những đồ chơi tự tay làm được rồi rủ nhau đi chơi đêm Trung thu. Chúng tôi chơi đủ trò, nhưng bao giờ cũng phải chờ đến giờ "gấu ăn trăng" rồi mới đi về. Không biết có phải gấu ăn trăng thật không, nhưng chúng tôi chơi đến khi nhìn thấy trăng bàng bạc đi, và có nhiều đám mây phủ mặt trăng thì cả bọn mới chịu về. Chỉ có thế thôi mà tất cả những kỷ niệm ngày thơ bé vẫn khiến ta bùi ngùi mỗi khi nhớ lại.

Còn hôm nay, trẻ em chỉ dám mơ tới một khoảng sân rộng để chơi trò chơi cũng thấy khó; ánh trăng bị ánh điện xanh đỏ của phố phường lấn át, nhiều nơi còn không có chỗ chơi. Đồ chơi Trung thu thì phong phú lắm, có đủ các loại với màu mè rực rỡ, nhưng sao vẫn thấy nhàn nhạt thế nào. Giá cả thì cao ngất trời, đủ các loại hình thù gớm ghiếc; rồi đồ chơi bạo lực, mà ít thấy những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân hay trống ếch… Năm nào báo chí cũng lên tiếng phản ánh, nhưng vẫn không thay đổi, vẫn là đồ chơi nhập khẩu, giá cả tiền triệu mà trẻ em nhà nghèo không dám mơ tới. Hay cũng có thể nói, Trung thu bây giờ cũng bị thương mại hóa. Người lớn thì coi đây là dịp để đi lại, quà cáp cho nhau. Có những chiếc bánh mà hầu như người nào cũng chỉ dám mua để đi biếu. Người ta cứ việc sản xuất đồ chơi cao cấp, sản xuất những chiếc bánh đắt tiền mà không nghĩ đến việc đơn giản nhất, đó là tạo ra một sân chơi cho trẻ em, để chúng được vui đùa thỏa thích, vì đối với trẻ em, ngoài việc chăm chút cho các em đầy đủ về vật chất, thì yếu tố tinh thần không thể bỏ qua. Bởi những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ sẽ theo ta suốt cuộc đời.

Ho ten: Alga
Dia chi: Germany
Email: trang_chen710@yahoo.de
Tieu de: Nhớ Mùa Thu Hà Nội
Noi dung: Tôi bây giờ mới thấy nuối tiếc mùa thu đẹp của Hà Nội. Tại sao tôi không nhận ra nó đẹp như thế nào, để bây giờ tôi thấy chạnh lòng trước những đoạn băng những tấm ảnh mùa thu Hà Nội. Tôi nhớ, nhớ lắm những đêm Trung thu cùng bạn bè lên Hàng Mã chọn cho mình một món đồ chơi, nhớ khi phá cỗ cùng gia đình, ăn những miếng bánh nướng, bánh dẻo đầy hạnh phúc. Nhớ tiếng trống vang đầu ngõ, nhớ điệu múa lân quen thuộc. Bây giờ, tất cả để lại cho tôi một nỗi niềm nhớ nhung. Đối với một người xa quê như tôi, chỉ mong có một Trung thu cùng gia đình bạn bè. Cchúc mọi người một Trung thu thật vui vẻ bên người thân.